Theo phản ánh của ông Phạm Tuấn Hùng, Ban QLDA Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, TP. Tuyên Quang, hiện nay đơn vị ông đang triển khai thực hiện dự án A, trong quá trình thực hiện có vướng mắc như sau:
Tại dự án A, quyết định đầu tư là UBND tỉnh; chủ đầu tư là UBND thành phố; đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA. Sau khi dự án A được phê duyệt dự án đầu tư, chủ đầu tư đã lập trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo quy định (không có vướng mắc), các công việc giải phóng mặt bằng được đưa vào phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, sau khi kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà thầu, dự án A thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, qua kiểm kê bồi thường mới xác định được khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời (điện, cáp quang). Để có cơ sở bồi thường tài sản công trình hạ tầng kỹ thuật, phải có báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình bị di dời được lập và thẩm định phê duyệt theo quy định.
Như vậy, trong phạm vi công việc này có phần việc thuê đơn vị tư vấn để khảo sát thiết kế và thi công di dời, xây dựng hoàn trả lại công trình đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Hùng hỏi, phạm vi công việc khảo sát thiết kế và thi công di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật có phải là công việc “tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu” quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 36 Luật Đấu thầu không?
Khi thực hiện phần việc thuê đơn vị tư vấn để khảo sát thiết kế và thi công di dời (đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý nhận thực hiện di chuyển) công trình hạ tầng kỹ thuật nêu trên có phải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không? Nếu có, thì cơ quan nào phê duyệt (UBND tỉnh hay chủ đầu tư)?
Trường hợp người quyết định đầu tư ủy quyền cho UBND thành phố phê duyệt thu hồi đất và phương án bồi thường theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì thực hiện phê duyệt như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 và Khoản 1, Điều 73 Luật Đấu thầu quy định một trong các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu là gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trừ trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 74 của Luật này.
Theo đó, đối với câu hỏi của ông Hùng, việc thi công di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng được áp dụng hình thức chỉ định thầu khi giao cho một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để thực hiện việc di chuyển theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu nêu trên. Việc chỉ định thầu phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 22 Luật Đấu thầu.
Đối với phần công việc khảo sát thiết kế cho việc di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật không thuộc trường hợp được chỉ định thầu theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, nếu gói thầu khảo sát thiết kế có giá không quá 500 triệu đồng thì được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Trong các trường hợp trên, trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác khảo sát thiết kế; di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7 Luật Đấu thầu. Việc trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 Luật Đấu thầu.
Chinhphu.vn