In bài viết

Iran muốn biến lệnh trừng phạt thành động lực

(Chinhphu.vn) - Theo một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, nhóm biện pháp trừng phạt đầu tiên với Iran có hiệu lực từ 0h1’ ngày 7/8 (theo giờ Washington). Còn Iran muốn biến thách thức này thành động lực nhằm gia tăng sản xuất và xuất khẩu dầu.

08/08/2018 17:21

Thông báo trên được đăng trên tài khoản chính thức Twitter của Tổng thống Mỹ cùng ngày, khẳng định các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran là "các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay".

Ông Trump nêu rõ đến tháng 11 tới, các biện pháp này sẽ được nâng lên một mức khác, đồng thời cảnh báo "bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ".

Như vậy, sau khi tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA 2015), Mỹ đã bắt đầu áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Iran, bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của các nước tham gia ký kết JCPOA như Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức cũng như cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 5/8 tuyên bố việc nối lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ tiếp tục và được thực thi nghiêm ngặt chừng nào Chính phủ Iran có những thay đổi mà Washington cho là "triệt để"!

Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ lần này, Chính phủ Iran sẽ bị cấm mua USD, chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp. Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các loại thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong tháng 11/2018, Tổng thống Trump dự định sẽ gia tăng sức ép đối với Iran, chặn đường xuất khẩu dầu nước này ở mức làm giảm 2 triệu thùng/ngày hoặc 50% sản lượng dầu khai thác của Iran.

Lệnh trừng phạt này không chỉ có Iran chịu ảnh hưởng mà hàng loạt doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác hoạt động tại quốc gia Trung Đông này cũng chịu ảnh hưởng nặng.

Ước tính có khoảng 50 công ty lớn của châu Âu và quốc tế đang làm ăn với Iran trong ngành thác khí đốt tự nhiên, xuất xưởng máy bay, ôtô sẽ bị ảnh hưởng trong khi 10 đối tác kinh doanh hàng đầu gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga và Singapore bị ảnh hưởng nặng nhất.

Các lĩnh vực liên quan đến “đòn” trừng phạt của Mỹ rất rộng, từ ô tô, hàng không, chế tạo máy bay, dầu mỏ, du lịch, dịch vụ đến đường sắt, ngân hàng, dược phẩm. Trong đó có các hãng lớn của thế giới như Renault và PSA (Pháp), Volkswagen (Đức), Total (Pháp), Royal Dutch Shell (liên doanh Anh-Hà Lan)… đang “vò đầu bứt tóc" xem liệu có tiếp tục trụ lại Iran hay không.

Phản ứng trước quyết định trừng phạt của Mỹ, EU đã tiến hành áp dụng “Đạo luật Ngăn chặn” để bảo vệ các công ty của khối này hoạt động tại Iran. Trong khi đó Ủy ban châu Âu tuyên bố bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục các hoạt động giao thương hợp pháp tại Iran.

Đại diện EU, bà Federica Mogherini cho biết EU khuyến khích các nhà đầu tư duy trì mối quan hệ làm ăn với Iran nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. EU sẽ nhanh chóng đưa ra biện pháp bảo hộ pháp lý cho các doanh nghiệp của khối 28 nước này làm ăn với Iran, sau khi chính quyền Trump khước từ lời kêu gọi của EU về việc miễn trừ.

Tuy nhiên, bà Mogherini thừa nhận việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ là rất khó khăn do "vị thế của nước này trong nền kinh tế thế giới".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Iran sẽ có thể cải thiện tình hình khi mà "cả thế giới ủng hộ chúng tôi và chúng tôi cần nắm lấy cơ hội này". Theo Ngoại trưởng Zarif, Iran có thể biến sức ép trở thành động lực để gia tăng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng không phải dầu mỏ nhằm cho Mỹ thấy rằng mình cần từ bỏ cách tiếp cận trừng phạt.

Diễn biến trên cho thấy, mục đích của Mỹ tái áp đặt 2 gói trừng phạt Iran trong vòng 90 ngày và 180 ngày sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA hồi tháng 5 vừa qua, là nhằm “gây sức ép tối đa về mặt kinh tế” đối với Iran.

Nhưng trên thực tế, Iran cũng đã chuẩn bị các “đòn đáp trả”,  từ việc tìm kiếm những bạn hàng mua dầu lớn như Trung Quốc đến việc đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz nếu nước này bị cô lập trên thị trường dầu toàn cầu.

Tuyết Minh (tổng hợp)