Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp Đoàn người có công tỉnh Đồng Tháp
Chiều 10/9, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Đồng Tháp, nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ những hy sinh và cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng; luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, với nhiều chính sách như: Hỗ trợ nhà ở, cấp bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, chi phí mai táng, ưu tiên giáo dục đào tạo, dạy nghề và việc làm.
"Dù chúng ta có làm bao nhiêu cũng không đủ để đền đáp công ơn của các lớp cha anh. Cả hệ thống chính trị phải tăng cường nhận thức, có trách nhiệm và làm hết khả năng của chúng ta để quan tâm đến đời sống của người có công, gia đình chính sách", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp trong việc quan tâm, chăm lo thực hiện chế độ chính sách cho người có công, thể hiện sâu sắc truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị địa phương tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa công tác đầy ý nghĩa này.
Phó Thủ tướng mong muốn, người có công tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu gương cho thế hệ trẻ, trước hết là vận động gia đình, giáo dục con cháu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Đồng Tháp đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc và cũng chịu nhiều đau thương, mất mát, hy sinh.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, tỉnh Đồng Tháp có trên 56.000 người có công với cách mạng gồm: 410 lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; 1980 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (97 mẹ còn sống); 44 Anh hùng lực lượng vũ trang; 18.549 liệt sĩ, 8.434 thương bệnh binh...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự lễ khai trương cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm
Chiều 10/9, UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức trọng thể Lễ công bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (thuộc huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) - Ái Điểm (thuộc huyện Ninh Minh, Quảng Tây).
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cùng các lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn.
Về phía Trung Quốc có Phó Bí thư Khu uỷ Quảng Tây Tôn Đại Vĩ, lãnh đạo các sở, thành phố thuộc Khu uỷ Quảng Tây.
Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tuyên bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói riêng, giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc nói chung.
Việc mở cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm được Chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc đồng ý, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc và các bộ, ngành Trung ương hai nước cũng như sự nỗ lực hợp tác của chính quyền Lạng Sơn, Quảng Tây.
Đến nay hai bên đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các thủ tục nội bộ để chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, việc chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm là một dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói riêng, giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói chung, tăng cường giao thương hàng hoá, du lịch, giao lưu nhân dân.
Tại buổi Lễ, các đại biểu hai bên đã chứng kiến nghi lễ tiễn đón các xe hàng hoá thông quan qua cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm. Tỉnh Thái Bình, thành phố Hải Phòng là những địa phương đầu tiên có các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu này sang Trung Quốc.
Các đại biểu cũng đi tham quan 2 toà nhà điều hành của 2 cặp cửa khẩu được trang bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hoá, xuất nhập cảnh của doanh nghiệp và người dân hai nước.
Với cửa khẩu Chi Ma đi vào hoạt động, tỉnh Lạng Sơn đã có 12 cửa khẩu song phương và quốc tế với phía Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam
Ngày 10/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam 2018 với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương” do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã chứng kiến sự thay đổi cả về chất, tầm mức và chiều sâu với nhiều sự kiện mang dấu ấn lịch sử.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng cường và mở rộng hợp tác trên cả 3 bình diện: Song phương, khu vực và toàn cầu. Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với nguồn nhân công dồi dào, chính trị - xã hội ổn định cùng những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 26.000 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 330 tỷ USD.
Với Hoa Kỳ, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã trở thành nền tảng và động lực quan trọng của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Sau hơn 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, “nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ cho nhau”.
Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, giày dép... thì Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến nhiều hợp đồng và thỏa thuận mua máy bay và động cơ máy bay với giá trị hàng tỷ USD đã và đang được đàm phán giữa doanh nghiệp hai nước; hay việc các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập khẩu trang thiết bị từ Hoa Kỳ phục vụ các dự án tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và lâu dài tại Việt Nam. Thành công của các bạn là thành công của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
“Việt Nam cũng mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch trong đó có năng lượng tái tạo, dầu khí, kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, du lịch, nông nghiệp, công nghệ cao, tài chính ngân hàng…", Phó Thủ tướng đề xuất và được các doanh nghiệp dự hội nghị hưởng ứng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng mong muốn Hội nghị sẽ đưa ra những đánh giá và đề xuất giải pháp mới nhằm góp phần duy trì đà tăng trưởng tích cực của quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước, đề xuất được những cơ hội mới, hướng đi mới, phát huy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong kinh doanh, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư song phương nói riêng và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung.
Phó Thủ tướng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ kết nối kinh doanh và đầu tư.