![]() |
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại đường ranh giới quân sự ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều vào sáng 27/4 - Ảnh: Reuters |
Dấu hiệu tích cực về hòa bình bán đảo Triều Tiên: Lần đầu tiên sau 11 năm, ngày 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã có cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm, cùng với 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sau đó (tháng 5/2018, tháng 9/2018) và cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ngày 12/6 ở Singapore được cho là những dấu son trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2018. Tuyên bố đạt được sau các hội nghị là tín hiệu tích cực của các bên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tất nhiên, sẽ có những khó khăn phía trước, nhưng những diễn biến lịch sử diễn ra trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018 được xem như bước khởi đầu vô cùng quan trọng trong hành trình hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài trên một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.
CPTPP được ký kết và có hiệu lực: Năm 2018 có thể xem là năm khá thành công của các hiệp định thương mại tự do (FTA) khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) lần lượt được ký kết, với hy vọng đem lại thành quả tích cực về kinh tế, thương mại cho các bên tham gia nói riêng, cũng như khu vực và toàn cầu nói chung.
Hiệp định CPTPP, thay thế Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết ngày 9/3 và sẽ được thực thi từ tháng 1/2019. Việc CPTPP được đàm phán thành công sau khi Mỹ rút khỏi TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì kết nối đầu tư và tự do thương mại hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng.
Với 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
![]() |
Đại diện các nước tham gia ký kết CPTPP tại Chile - Ảnh: Reuters |
Tháng 8 năm nay, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một "văn bản duy nhất" đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), được đánh giá là bước tiến quan trọng giúp thu hẹp khác biệt giữa các bên. Đây là văn bản cơ sở cho các cuộc đàm phán để xây dựng một COC thực chất, hiệu quả, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Và những lúc bằng phẳng trở nên nghiêng ngả
Thế giới năm 2018 chứng kiến sự rạn nứt và đối đầu giữa các nước lớn. Quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây gần như rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau vụ điệp viên hai mang người Nga Skripal bị ám sát ở Anh hồi tháng 3. Sự đối đầu cũng thể hiện ở hầu hết các vấn đề nóng của thế giới, như Syria, Ukraine, Triều Tiên… Sóng gió càng mạnh khi Mỹ mở rộng điều tra về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Bên cạnh gia tăng hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga, Mỹ còn đe dọa rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), gây nguy cơ một cuộc chiến tranh “Lạnh” mới. Chính quyền Nga cáo buộc đây là một chiến dịch được các nước phương Tây phối hợp triển khai hòng làm mất uy tín và cô lập Nga.
![]() |
Tại Pháp, các cuộc biểu tình "Áo vàng" bắt đầu từ ngày 17/11 nhằm phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu, song đã bùng lên thành một làn sóng phản đối lịch trình kinh tế của Tổng thống Macron - Ảnh: Reuters |
Bạo động “áo vàng” tại Pháp, châu Âu bất ổn và chia rẽ: Bạo động “Áo vàng” tại Pháp đã khiến Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron lung lay, có dấu hiệu “lây lan” sang nhiều nước. Tiến trình Brexit tiếp tục bế tắc, thách thức vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Anh Theresa May. Ở Đức, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) mất tín nhiệm, thay vị trí lãnh đạo đảng, Thủ tướng Angela Merkel buộc phải từ giã chính trường năm 2020. Đồng thời, Châu Âu chứng kiến sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy, với các đảng cựu hữu như Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), đảng Tự do tại Áo (FPO), Liên đoàn Phương Bắc (NL) của Italy…
Mỹ tiếp tục rút khỏi nhiều cơ chế đa phương: Tổng thống Donald Trump tiếp tục đưa Mỹ rời bỏ hàng loạt hiệp định, tổ chức và thỏa thuận quốc tế như JCPOA, INF, UNHCR… Song, với những thành công trong việc đạt đồng thuận về triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại COP 24, ký kết Hiệp ước Di cư toàn cầu, Đại hội đồng thông qua Hiệp ước về tị nạn, Liên Hợp Quốc tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế, ảnh hưởng và năng lực mà không tổ chức nào có thể thay thế trong việc giải quyết những vấn đề của nhân loại.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran: Bất chấp các quy tắc và thông lệ quốc tế, ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được chính quyền tiền nhiệm ký năm 2015, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Động thái này đã đe dọa lợi ích kinh tế của nhiều nước và gây rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu. Nhiều nước chỉ trích hành động của Mỹ là sự “phá vỡ lòng tin vào trật tự quốc tế”, đồng thời gây thêm nguy cơ bất ổn cho khu vực Trung Đông.
Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, không có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm 2018. Các nước trong khu vực tiếp tục duy trì các biện pháp tẩy chay đối với Qatar. Ngược lại, Qatar cũng không có ý định nhân nhượng. Hai bên có những biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau. Trong những ngày cuối năm, Qatar cũng tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ tháng 1/2019.
Bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới, tháng 5/2018, Mỹ chính thức chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem và đây là một trong số các chính sách ngoại giao gây tranh cãi nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018. Diễn biến này châm ngòi cho làn sóng biểu tình và bạo lực đẫm máu mới ở Dải Gaza, khiến tình hình ở Trung Đông càng trở nên phức tạp.
![]() |
|
Thế giới chứng kiến nhiều thảm họa: Trận động đất mạnh kèm theo sóng thần xảy ra ngày 28/9 tại đảo Sulawesi và đợt sóng thần do núi lửa Anak Krakatau phun trào ngày 22/12 tại eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java (Indonesia) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.370 người, làm hơn 1.400 người bị thương và khoảng 5.130 người mất tích. Trước đó, vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, tại đảo Lombok đã xảy ra hai trận động đất mạnh 6,4 và 7 độ, làm trên 400 người thiệt mạng, san phẳng hàng chục nghìn ngôi nhà, đền thờ và khiến khoảng 20.000 người phải đi sơ tán.
Động đất ở Nhật Bản, mưa lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Mỹ, Hy Lạp, vỡ đập thủy điện tại Lào… những vụ thiên tai và tai nạn này đã làm hàng nghìn người chết và mất tích, tạo nên những gam màu xám trong bức tranh thế giới năm 2018.