In bài viết

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 - việc lợi quốc gia

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn từ 2011-2015, các tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên cung cấp 11 dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp như: Đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, cấp, đổi giấy phép lái xe, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

01/09/2010 15:00

Dịch vụ công trực tuyến không những tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn góp phần làm giảm áp lực công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước - Ảnh minh họa

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử. Điều đó không những tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần làm giảm áp lực giấy tờ công việc lên chính các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo kết quả khảo sát đánh giá xếp hạng trang thông tin, cổng thông tin điện tử (TTĐT) của các Bộ, ngành và các địa phương năm 2009, trang, cổng TTĐT của nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có tiến bộ rõ rệt trong việc cung cấp kịp thời và đầy đủ những thông tin chủ yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều website có thêm các dịch vụ hành chính công, được đầu tư mạnh.

Số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 1 và mức độ 2 được cung cấp ngày càng đầy đủ. Số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đã tăng nhiều cả về số lượng dịch vụ và số lượng đơn vị cung cấp, đặc biệt là tại các địa phương. Cụ thể, nếu như năm 2008 chỉ có 6 tỉnh, thành phố cung cấp 30 dịch vụ thì năm 2009 có 18 tỉnh, thành phố cung cấp lên tới 254 dịch vụ. Trong đó, địa phương cung cấp nhiều nhất là Bình Phước và Lào Cai, với 38 dịch vụ. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng đã được các địa phương triển khai sâu, rộng ở các cấp.

Bên cạnh đó là kết quả của việc triển khai thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đang trong giai đoạn 3, giai đoạn thực thi các khuyến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính sau khi đã được UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, thực tế số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 hiện vẫn còn ít so với số lượng dịch vụ hành chính công cần cung cấp của các đơn vị.

Các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cung cấp 218 dịch vụ công trực tuyến

Đây cũng chính là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng nằm trong của Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (ƯDCNTT) trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt. Bởi việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, sẽ làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 là 100% các CQNN từ cấp quận, huyện, Sở, Ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng hoặc trang thông tin điện tử, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 tới người dân và doanh nghiệp. Người sử dụng có thể tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu và được thông báo tình trạng xử lý các thủ tục hành chính của các CQNN qua mạng.

Hướng tới năm 2015, CQNN cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp; cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, tại các tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên cung cấp 11 dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 gồm: Đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp giấy phép xây dựng; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; giấy phép đầu tư; giấy đăng ký hành nghề y, dược; lao động, việc làm; cấp, đổi giấy phép lái xe; giải quyết khiếu nại, tố cáo; đăng ký tạm trú, tạm vắng và dịch vụ đặc thù.

Ngoài ra, sẽ có 207 dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 được ưu tiên thực hiện tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ như: Cung cấp thông tin và khai báo hộ khẩu, hộ tịch, tạm trú, cư trú; cấp hộ chiếu; cung cấp thông tin và khai báo chứng minh nhân dân (CMND); thủ tục cấp giấy phép, bằng lái xe ô tô, xe máy; tiếp nhận hồ sơ Hải quan điện tử; tra cứu thông tin về thuế, trạng thái hồ sơ hải quan...

Có thể thấy rằng, đây là những điểm mốc quan trọng trong việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong vòng 10 năm tới. Khi mà hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, để đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

Những đơn vị "tiên phong" cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất

Khảo sát sơ bộ việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các cấp hành chính hiện nay cho thấy, từ tháng 2/2010, với dịch vụ công trực tuyến về cấp phép họp báo, hội thảo, hội nghị có yếu tố nước ngoài, TP. Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương đầu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, mức cao nhất của hệ thống Chính phủ điện tử.

Dịch vụ này được chính thức triển khai trên trang tin điện tử của sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh tại địa chỉ http://www.ict-hcm.gov.vn. Người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận giấy phép hoàn toàn qua Internet mà không cần liên hệ trực tiếp, kể cả các giao dịch phát sinh trong quá trình xử lý cũng như các yêu cầu bổ túc hồ sơ. Mô hình này được tiếp tục triển khai tại các quận, huyện, sở, ngành trên địa bàn thành phố từ năm 2010.

Ngày 7/5/2010, Bộ Công Thương cũng đã chính thức khai trương hệ thống cấp giấy phép xác nhận khai báo hóa chất trực tuyến (cuchoachat.gov.vn). Tại mức độ này, toàn bộ quy trình cung cấp dịch vụ gồm việc khai hồ sơ và xử lý hồ sơ sẽ hoàn toàn được tiến hành qua mạng, vấn đề an toàn thông tin sẽ được đảm bảo với công nghệ chữ ký số. Đây là dịch vụ công mức độ 4 đầu tiên của các Bộ, ngành.

Toàn bộ quy trình thủ tục hành chính trên khi được thực hiện qua mạng sẽ giúp giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đề nghị cấp giấy xác nhận khai báo, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước có số liệu, báo cáo chính xác, kịp thời.

Mô hình 4 mức độ phát triển của các dịch vụ hành chính công trực tuyến được áp dụng đối với Chính phủ điện tử tại Việt Nam, bao gồm:

Mức độ 1: cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ.

Mức độ 2: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn.

Mức độ 3: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1 và các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.

Mức độ 4: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.

Minh Hùng thực hiện