![]() |
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường |
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nhấn mạnh, để ứng phó với BĐKH, phòng chống sạt lở, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hành động kịp thời với nhiều giải pháp từ tổng thể đến cấp bách phù hợp với đặc thù của vùng miền. Đối với ĐBSCL, nơi có dân số chiếm 19% dân số cả nước, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong nhưng đang chịu tác động kép BĐKH, hoạt động từ thượng nguồn và hoạt động phát triển nội tại, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; các Bộ, ngành đã ban hành kế hoạch hành động và đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát những nơi được cho là chịu tác động lớn về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, sau đó trực tiếp chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau hội nghị này, đến nay các chương trình hành động, giải pháp ứng phó tổng thể với biến đổi khí hậu đã được triển khai tới đâu, thưa ông?
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường: Ngay tại hội nghị tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, phải xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, tức là phải “thuận thiên”; các giải pháp thích ứng phải tiếp cận từ tổng thể gắn kết liên vùng, liên tỉnh, liên khu vực; bắt đầu từ quy hoạch, điều phối phát triển đến các hoạt động đầu tư để bảo hiệu quả. Vì vậy, trong nghị quyết về phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Chính phủ khẳng định chủ trương, định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL có tầm nhìn dài hạn và mô hình phát triển ĐBSCL phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo. Đặc biệt, cần linh hoạt trong bối cảnh BĐKH diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan và tác động của việc khai thác, sử dụng nguồn nước với quy mô lớn trên thượng nguồn sông Mekong.
Như vậy, phải lấy tài nguyên nước và tài nguyên đất là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.
Còn trong phát triển, nghị quyết nêu rõ, việc chuyển đổi các mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với BĐKH nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Đặc biệt, phải tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng ĐBSCL, tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các vùng khác trong cả nước, giữa Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ, giữa Việt Nam với các nước, trước hết là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.
Và để cụ thể chủ trương, định hướng phát triển nghị quyết nêu, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo từng lĩnh vực và của địa phương, cho đến nay các Bộ và các địa phương ĐBSCL đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động; Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện theo lộ trình, với tinh thần các nhiệm vụ phải tập trung và có tính khả thi; ứng phó tổng thể với BĐKH, cấp bách xử lý sạt lở trước mắt ở ĐBSCL.
Thực tế hiện nay nhiều địa phương đang phải chống chọi với tình trạng sạt lở, phải đầu tư xử lý. Vì vậy, có ý kiến cho rằng việc ứng phó với BĐKH ngoài chương trình hành động tổng thể, giải pháp tổng thể thì cũng phải có điều phối thống nhất mọi hoạt động đầu tư?
Cục trưởng Tăng Thế Cường: Đúng là cần phải như vậy. Trong Nghị quyết của Chính phủ cũng đã lưu ý nội dung này và nhấn mạnh: “mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý”. Tuy nhiên, trước thực tế tình trạng sạt lở ở nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần có những giải pháp trước mắt mang tính cấp bách, tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời phải chú trọng và chủ yếu áp dụng các giải pháp phi công trình, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp công trình.
Như vậy, trên thực tế triển khai, các bộ, ngành, địa phương đều phải tiến hành song song các nhiệm vụ, thậm chí ngay trong quá trình xây dựng chương trình hành động tổng thể đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể; có những nhiệm vụ, giải pháp phải làm ngay. Ví dụ như vấn đề sạt lở ở ĐBSCL, các địa phương cũng có ý kiến không thể chờ đợi được, phải xử lý cấp bách, như vậy là thực hiện song song hai nhiệm vụ dài hạn và xử lý tình huống cấp bách trước mắt.
Và để đảm bảo các hoạt động đầu tư được điều phối thống nhất, trong phiên họp do Thủ tướng chủ trì làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, sau khi nghe báo cáo thực tế toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km cần sớm được xử lý và tập trung xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước; Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu.
Thủ tướng cũng đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt, có tính chất cấp bách, còn về dài hạn thì các Bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động tổng thể do Thủ tướng phê duyệt.
Ví dụ như trong dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã xác định rõ trọng tâm của giai đoạn đến năm 2020 tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; tăng cường điều tra cơ bản và cập nhật xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL; xây dựng Quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp đa ngành; thiết kế cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với BĐKH và chuẩn bị các dự án đầu tư cho giai đoạn sau và có giải pháp huy động nguồn lực.
Việc huy động, bố trí nguồn lực là một trong những yếu tố quan trọng giúp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 trong thời gian trước mắt cũng như các nhiệm vụ dài hạn, cho đến nay thì việc huy động, bố trí nguồn lực đã đạt được kết quả như thế nào?
Cục trưởng Tăng Thế Cường: Các địa phương đã tích cực rà soát lại các quy hoạch theo hướng tăng cường khả năng chống chịu với các tác động của BĐKH; ưu tiên nguồn vốn do địa phương quản lý để triển khai thực hiện dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120. Theo số liệu các cơ quan Trung ương và địa phương đưa ra, đến nay đã có kế hoạch vốn khoảng 15.500 tỷ đồng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120, trong đó có 1.500 tỷ đồng ưu tiên triển khai khắc phục khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển; 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng giao vốn trung hạn cho 20 dự án ở các tỉnh ĐBSCL theo Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; ngoài ra là kinh phí từ các dự án của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển khác, kinh phí do các địa phương bố trí kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết.
Thu Cúc