Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng
Ngày 29/3, tại TP. Đà Nẵng, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng đoàn kiểm tra, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng về dự thảo kết luận kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 1.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ công tác kiểm tra việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là hoạt động thường xuyên, hằng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Thông qua việc kiểm tra để đánh giá đúng thực trạng, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Qua đó, sẽ xem xét đề ra các biện pháp chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, pháp luật để triển khai việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương được dễ dàng thống nhất, coi đó là mục tiêu lớn của Đoàn kiểm tra.
Trong quá trình thực hiện kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, sự chuẩn bị nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị của Thành phố để cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; chủ động đưa nội dung phòng chống tham nhũng với nội dung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vào chương trình kiểm tra, giám sát. Qua đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt được kết quả tích cực, kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong nhận thức, thực hiện ở một số đơn vị, địa phương.
Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Trong đó, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban tiến hành họp định kỳ, đột xuất với các cơ quan liên quan để chỉ đạo thi hành án, giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc thu hồi tài sản. Đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan trong công tác thu hồi tài sản, kịp thời đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm.
Theo đó, tổng số vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế mà toà án hai cấp của Thành phố thụ lý trong kỳ là 23 vụ. Tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp kê biên, phong toả là 69,2 tỷ đồng, 12.299,21 gam vàng, 2 lô đất và tài sản gắn liền với đất, 700 USD, 1.328 thanh gỗ, 2 kiện ngà voi và một số tài sản khác; đã tiêu huỷ 1.005 gói bột ngọt giả và 9.200 bao thuốc lá giả. Số vụ chuyển cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 22 vụ, 41,2 tỷ đồng,1/2 giá trị của 2 ô tô.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra số 1 cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác này là công tác kiểm tra, giám sát của Thành uỷ Đà Nẵng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành uỷ được tăng cường, nhưng có thời điểm việc tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát trực tiếp đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, cấp uỷ, tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành uỷ về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn ít, chưa thường xuyên. Vì vậy, có nơi chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với nội dung này nhưng chưa được kiểm tra, chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời.
Nhận thức, trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ về nội dung kiểm tra có nơi còn hạn chế, việc kiểm tra, giám sát của cấp uỷ trực thuộc có nơi chưa thường xuyên; đối với một số vụ thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, vướng mắc thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự có việc còn lúng túng, chưa đề xuất được giải pháp xử lý cụ thể, trong đó có việc thuộc thẩm quyền của Thành phố. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Đoàn kiểm tra số 1 là do việc xác định tài sản bị thiệt hại từ hành vi tham nhũng trong nhiều vụ án phức tạp, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng và phải có kết quả giám định mới có đủ căn cứ xử lý. Trong khi công tác giám định còn nhiều hạn chế, nhiều yêu cầu giám định bị từ chối dẫn đến khó khăn cho các cơ quan tư pháp trong việc định tội và thu hồi tài sản.
Tại cuộc làm việc, Đoàn kiểm tra số 1 cũng đã kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ rà soát, hoàn thiện pháp luật hình sự, các cơ quan tư pháp Trung ương sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn pháp luật đối với một số vấn đề trong quá trình thi hành pháp luật.
Kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp với thành phố Đà Nẵng giải quyết toàn diện, dứt điểm đối với việc thi hành án vụ Phạm Công Danh tại Đà Nẵng.
Đối với Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, Đoàn kiểm tra số 1 đề nghị có các giải pháp quyết liệt, cụ thể, hiệu quả trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong đó, có vụ án Phạm Công Danh.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế một cách nghiêm minh, kịp thời, tài sản tham nhũng phải được thu hồi triệt để.
*Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2019), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Thành phố tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Giám đốc Tập đoàn J Trust (Nhật Bản)
Chiều 29/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn J Trust sang làm việc tại Việt Nam.
Tập đoàn J Trust tham gia các dịch vụ ngân hàng thương mại, dịch vụ tài chính bán lẻ và dịch vụ thu nợ trên khắp châu Á, từ Mông Cổ đến Indonesia. Với kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong việc hỗ trợ các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn, Tập đoàn đã khôi phục thành công một số công ty tài chính tiêu dùng, mua lại và tái cơ cấu thành công một số ngân hàng yếu kém ở Hàn Quốc và Indonesia.
Tại Việt Nam, ông Nobiru Adachi cho biết J Trust đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. J Trust bày tỏ quan tâm được tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank) để trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo đó, Tập đoàn không chỉ tham gia về vốn mà cả công nghệ hỗ trợ nghiệp vụ và mong muốn Chính phủ, NHNN Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán và giao dịch thành công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kinh nghiệm của Tập đoàn trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và quản trị mua lại và phát triển các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó có CBBank.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam muốn tìm đối tác chuyển nhượng hay cả hình thức bán lại CBBank cho các đối tác để cơ cấu lại Ngân hàng này. Phó Thủ tướng đề nghị J Trust nghiên cứu, trao đổi với CBBank và NHNN Việt Nam về phương án chào bán, trên cơ sở đó, NHNN sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết.
Ngoài CBBank, Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh J Trust tham gia việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng khác tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Thừa Thiên – Huế
Chiều 29/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tại buổi làm việc, chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cách làm của tỉnh là chắc chắn, có tầm nhìn xa trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá… Vì vậy, tỉnh đã giữ được tốc độ tăng trưởng bền vững, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình tăng trưởng. Thừa Thiên-Huế giữ được môi trường an lành, thân thiện, hấp dẫn với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
“Đến giờ phút này nét văn hoá của người Huế, xứ Huế còn rất đậm. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là kết quả rõ nhất của quá trình phát triển văn hoá, con người Huế theo Nghị quyết 33”, Phó Thủ tướng nói.
Phân tích về những mặt hạn chế, bất cập, Phó Thủ tướng cho rằng cũng giống như nhiều địa phương, tại Thừa Thiên-Huế ở một số nơi, một số thời điểm, vấn đề văn hoá, người làm văn hoá chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá (nhà văn hoá, thư viện) chưa đủ, chưa đồng bộ, nhưng vẫn còn tình trạng đầu tư lãng phí, sử dụng kém hiệu quả…
Từ những phân tích cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số đặc trưng của lĩnh vực văn hoá. Đây là lĩnh vực rất rộng liên quan đến nhiều mặt của con người, rất dài hơi. Những bất cập khi đã nhận diện được thì thường chưa xử lý ngay nên tiếp tục tích tụ dần dần đến khi bộc lộ vấn đề thì mất thời gian và nguồn lực xử lý. Chưa kể, trong giải quyết các vấn đề văn hoá, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức.
Nhìn trong ngắn hạn các hoạt động văn hoá không đóng góp trực tiếp về kinh tế nhưng lâu dài thì sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, như du lịch.
“Công tác sơ kết Nghị quyết 33 phải làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề này. Mục đích cuối cùng là nâng cao nhận thức cấp uỷ đảng, chính quyền và cả toàn dân về xây dựng và phát triển văn hoá, con người trong điều kiện đặc thù của địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
*Sau cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đã đến khảo sát, thăm hỏi, động viên các hộ dân đang sống tạm trên tường thành thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Được biết, dự án di dời khoảng hơn 4.200 hộ dân sinh sống ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế sẽ được thực hiện từ năm 2019 đến 2021 với tổng kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khánh thành Khu CNTT tập trung Đà Nẵng; khởi công nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Shunshine trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là những hành động cụ thể, có ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố tới năm 2030 tầm nhìn 2045 và Chỉ thị của Thủ tướng nhằm tăng cường tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính phủ luôn chủ trương khuyến khích các tỉnh, thành phố, nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu mối giao thông lớn, chú trọng phát triển các khu công nghiệp phần mềm, khu công nghệ cao. Chủ trương đó đã được cụ thể hoá với sự xuất hiện của hàng loại khu công nghiệp, công viên phần mềm. Năm 2009, khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (TPHCM) được xây dựng trên diện tích 43 ha. Tiếp đó năm 2011, khu công viên phần mềm ở TP. Đà Nẵng. Năm 2013 là khu công nghiệp phần mềm ở Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 2016 Hà Nội có khu công nghiệp phần mềm thứ hai và hôm nay là Da Nang IT Park, khu công nghiệp phần mềm lớn nhất cả nước đến thời điểm hiện nay.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ TP. Đà Nẵng cũng như Da Nang IT Park kêu gọi đầu tư, làm những việc cần thiết về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tìm thấy cơ hội phát triển. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng cần có thêm những công trình, dự án để thực sự là trung tâm của cả nước trong tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là CNTT, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Thế giới xếp hạng 100 nước, chiếm 96% GDP toàn cầu, chia làm 4 nhóm về khả năng tiếp cận nền sản xuất mới thì Việt Nam ở nhóm thứ 4 cùng với 56 nước khác. Chúng ta không thể tiếp cận được cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không có nhiều công trình, dự án phát triển CNTT, truyền thông, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị về phát triển lâm nghiệp
Ngày 29/3, tại Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-202 chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo.
Kết luận Hội nghị, sau khi ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, cũng như chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu của công tác bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới. Theo đó, năm 2019 phải đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%; bảo đảm tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 10,5 tỷ USD; tiếp tục duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện hai nhóm giải pháp lớn là bảo vệ rừng và thúc đẩy sản xuất, phát triển rừng.
Đối với nhóm giải pháp bảo vệ rừng, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương đóng của rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo Phó Thủ tướng, không nên “cực đoan” cấm tuyệt đối việc chuyển đổi mục đích sử dụng. “Rừng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Do đó, khi thực sự cần thiết vẫn có thể xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhưng phải tính toán và thực hiện một cách chặt chẽ, chỉ chuyển đổi nhằm đạt lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng. Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cùng với đó, phải duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hằng ngày, nhất là thông tin điểm cháy để xử lý kịp thời. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tiếp tục giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất; ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ thông tin, viễn thám) trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng.
Trong nhóm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, phát triển rừng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước hết phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách.
“Cơ chế chính sách phải khuyến khích được người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt là phải chăm lo đến đời sống người dân liên quan đến rừng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số phải được đặc biệt quan tâm”, Phó Thủ tướng nói.
Cụ thể, phải triển khai có hiệu quả Luật Lâm nghiệp, 4 nghị định, 7 thông tư hướng dẫn thực thi Luật Lâm nghiệp; rà soát để kịp thời điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các văn bản hướng dẫn Luật; xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp…
Về tổ chức sản xuất, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải coi doanh nghiệp là trung tâm để tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Thúc đẩy các hình thức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với rừng sản xuất.
Về trồng, chăm sóc rừng, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển rừng năm 2019, trong đó đặc biệt quan tâm đến các địa phương có diện tích trồng rừng lớn; tỷ lệ kiểm soát chất lượng giống thấp.
Yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định; chuẩn bị đủ cây giống đảm bảo chất lượng và hiện trường trồng rừng năm 2019; lựa chọn loài cây trồng phù hợp, trồng đúng thời vụ và thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả kinh tế khi sử dụng giống chất lượng tốt, lợi ích và hiệu quả chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; vai trò, tác dụng, giá trị của rừng và công tác bảo vệ rừng…
Đồng thời, giám sát chặt chẽ các dự án bảo vệ và phát triển rừng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ưu tiên kinh phí cho chăm sóc rừng mới trồng, trồng rừng; đẩy mạnh công tác giải ngân tiền trồng rừng thay thế, không để tồn quỹ.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản phục vụ xuất khẩu.
Về hợp tác quốc tế, phát triển thị trường, Phó Thủ tướng yêu cầu duy trì và mở rộng các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và EU và phát triển các thị trường mới như Australia, Canada, Ấn Độ, Nga; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế. Tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại lâm sản với một số quốc gia có tiềm năng (Australia, Hàn Quốc, Nga) để mở rộng thị trường lâm sản.
Hỗ trợ các hiệp hội và các doanh nghiệp chế biến lâm sản về thông tin thị trường, các qui định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về quản lý chuỗi cung, quản trị chất lượng trong khâu cung ứng và truy xuất nguồn gốc gỗ, phân loại doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị chậm nộp, không nộp tiền dịch vụ môi trường rừng. Thu hồi nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục nghiên cứu quy định đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt và nước ngầm; tổ chức nghiên cứu thu dịch vụ môi trường rừng đối với carbon nội địa từ nhà máy nhiệt điện, xi măng, thép.../.