In bài viết

Huyền thoại 'căn cứ lõm' Hồng Phước

(Chinhphu.vn) – Các trận đánh xuất phát từ "căn cứ lõm" B1 Hồng Phước trở thành những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

29/04/2019 10:11
Hình ảnh ngọn đèn dầu của mẹ Dĩ được trưng bày tại Khu di tích căn cứ cách mạng Hồng Phước. Ảnh: VGP/Minh Trang

Khu di tích căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước (nay thuộc phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) là “căn cứ lõm cách mạng” gồm 71 gia đình sinh sống trong 64 ngôi nhà, nhưng có đến 46 căn hầm bí mật  nuôi giấu, che chở, bảo vệ cho các Đặc khu ủy viên Quảng Đà, Bí thư quận Nhì qua các thời kỳ.

“Ngọn đèn đứng gác”

Năm tháng đã trôi qua, nhưng trong tâm trí nhiều người dân nơi đây vẫn ghi nhớ câu chuyện về ngọn đèn dầu của mẹ Dĩ với niềm tự hào, tôn kính.

Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với nhiều gia đình, gia đình mẹ Phạm Thị Dĩ (chồng là  ông Dương Chương) trở thành cơ sở cách mạng cốt cán, được gây dựng đầu tiên từ những năm 1959-1960.

Tại căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, gia đình mẹ Dĩ đã đào 4 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Đây là nơi nhiều đồng chí lãnh đạo của Quận ủy quận Nhì và Khu ủy Quảng Đà về đứng chân hoạt động, chỉ đạo công tác. Đặc biệt, đêm về nếu mẹ Dĩ thắp sáng ngọn đèn dầu trước hiên là tín hiệu báo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng của ta và ngược lại.

Ngày đó, nhà mẹ Dĩ ở ngay đầu làng, phía Tây Bắc nhìn lên núi Hải Vân và Hòa Vang. Với vị trí đó, mẹ Dĩ đã dùng ngọn đèn dầu làm tín hiệu giúp cán bộ cơ sở của ta ở cánh Bắc Hòa Vang căn cứ vào đó quyết định có về quận Nhì Đà Nẵng hay không? Đây cũng là hướng duy nhất mà các lực lượng vũ trang quận Nhì muốn về hoạt động tại căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đều quan sát ngọn đèn nhà mẹ, có tín hiệu an toàn thì yên tâm cho quân về.

Để biết được không có địch vây ráp, mai phục thì suốt ngày hôm đó, các thành viên trong gia đình mẹ cùng với các cơ sở vừa lao động sản xuất vừa quan sát địch có đi càn quét ở khu vực nào không, có mật vụ không và nếu địch đi thì nó rút về hay ở lại.

Trời càng về chiều tối thì việc quan sát, cảnh giới địch càng phải kỹ càng, chặt chẽ hơn. Đến giờ "G", tình hình bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mẹ Dĩ mới thắp đèn dầu lên và đến khi cán bộ của ta về đến nơi thì tắt đèn. Ngược lại, khi không nhìn thấy ngọn đèn của mẹ thì cán bộ ta ngầm hiểu là nguy hiểm nên không về.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Hình ảnh ngọn đèn của mẹ Dĩ ở Hồng Phước là một minh chứng sống cho sức mạnh toàn dân đánh giặc. Ở mảnh đất này, nhà mẹ Dĩ và một số mẹ  đã đêm đêm thắp sáng ngọn đèn để chỉ lối cho chúng tôi về hoạt động cách mạng. Cứ thấy ánh đèn le lói sáng trong đêm là lòng anh em chúng tôi như ấm lại. Đó là tín hiệu báo an toàn, để từ đây sẽ có tin từ nội thành ra, gặp cơ sở để nắm tình hình, huấn luyện cấp tốc kỹ thuật cách đánh cho đội viên biệt động, hướng dẫn những vấn đề cần thiết khác”.

Các cựu chiến binh ôn lại lịch sử những ngày tham gia chiến đấu tại Hồng Phước. Ảnh: VGP/Minh Trang

Điển hình về xây dựng “căn cứ lõm cách mạng”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Hồng Phước được xây dựng thành căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, mang mật danh B1, ngay sát trung tâm của khu căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng.

Thời ấy, trước tình cảnh giặc Mỹ hàng ngày bung dây thép gai, dồn dân chiếm đất đai, cày ủi xây dựng đồn bốt, công sự ở những làng xóm xung quanh làm cho tất cả người dân Hồng Phước bất mãn, căm thù sẵn sàng cùng với cán bộ chiến sĩ cách mạng quyết tâm bảo vệ làng xóm cha ông để lại.

Cả làng có 64 nhà dân đều là cơ sở cách mạng, hoạt động ngay trong lòng địch vô cùng nguy hiểm, cam go nhưng với hệ thống 46 căn hầm nuôi giấu cán bộ lãnh đạo, bộ đội, du kích suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không một lần bị lộ.

Nhân dân cả làng Hồng Phước từ trẻ đến già đều trung thành với cách mạng, bất chấp khó khăn gian khổ, bất kể nắng mưa, đêm đông giá rét đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nắm tình hình địch, đêm đêm đảm bảo giao thông liên lạc thông suốt an toàn cho cán bộ, chiến sĩ của ta từ căn cứ miền núi về đồng bằng, hoạt động qua những ngọn đèn dùng làm tín hiệu.

Từ khi thành lập cho đến ngày quê hương giải phóng, căn cứ Hồng Phước không một lần bị vỡ, không bị lộ, bí mật tập thể được giữ gìn nghiêm mật nhất, là một thành công rất lớn, có tính chất điển hình trong công tác xây dựng “căn cứ lõm” của ta trong chiến tranh.

Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với đó, nhân dân Hồng Phước và những cán bộ chiến sĩ từng sống, chiến đấu trên quê hương Hồng Phước đã được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều danh hiệu cao quý: 6 Bà Mẹ VNAH, 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 54 Huân chương kháng chiến chống Pháp, Mỹ hạng Nhất, Nhì, Ba...

Trên quê hương Hồng Phước còn có 5 gia đình cơ sở cách mạng tiêu biểu đã được xây dựng mô hình tại khu di tích lịch sử căn cứ lõm B1 Hồng Phước hiện nay.

Ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận uỷ Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, cho biết: Hồng Phước ngày nay đã đổi mới, giàu đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Trong hoàn cảnh mới, mảnh đất Hồng Phước không còn quy tụ như quê xưa làng cũ, nhưng vẫn trường tồn với bao lưu luyến và trăn trở là làm sao để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá và lịch sử. Chính vì thế, TP. Đà Nẵng đã xây dựng Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước trên diện tích đất 2.700 m2.

Vinh dự càng lớn, niềm vui càng được nâng lên khi UBND Thành phố vừa xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố vào đầu tháng 4 vừa qua, sau đúng 1 năm Hồng Phước được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đến nay, Khu di tích đã đón trên 150 đoàn với hàng chục ngàn khách đến tham quan.

“Đây là một biểu tượng tôn vinh truyền thống lịch sử và văn hoá vẻ vang của cán bộ và nhân dân, tri ân các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là nơi bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Vũ Quang Hùng tự hào chia sẻ.

Minh Trang