In bài viết

Quốc hội xem xét dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) – Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 22/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

22/05/2019 15:18

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an), Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tổ chức nhiều cuộc tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực, cơ quan tư pháp địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số hiệp hội và doanh nghiệp… để chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách và các Đoàn ĐBQH.

Dự luận hiện được xây dưng với bố cục gồm 16 chương với 209 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) của Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, nhiều ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị thu gọn phạm vi điều chỉnh, không liệt kê các hình phạt chính và hình phạt bổ sung; có ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung về “hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; giảm thời hạn chấp hành án phạt tù” vào Điều 1 dự thảo Luật.

UBTVQH nhận thấy, trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành và để phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự với Luật Thi hành án dân sự thì dự thảo Luật cần quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh là thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với cá nhân và pháp nhân thương mại. Đối với các nội dung về: Hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là các nội dung cụ thể trong quá trình thi hành án phạt tù nên cần quy định trong các phần tương ứng của dự thảo Luật để bảo đảm tính khái quát của phạm vi điều chỉnh.

Về bản án, quyết định được thi hành (Điều 2), nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung các quyết định của Viện kiểm sát vào Điều 2 dự thảo Luật như: “Bắt buộc chữa bệnh”; “Đình chỉ bắt buộc chữa bệnh” và “Trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật”.

UBTVQH nhận thấy, “Quyết định đình chỉ bắt buộc chữa bệnh” và “Quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật” là các quyết định phát sinh trong quá trình thi hành các bản án, quyết định tại Điều 2 dự thảo Luật và phải được thi hành. Ngoài các quyết định nêu trên, thì quá trình thi hành án hình sự cũng sẽ phát sinh nhiều quyết định khác. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định tại Điều 2 dự thảo Luật.

Về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự (Điều 10), theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, có ý kiến tán thành quy định tại Điều 10 dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị thay cụm từ “con người” tại khoản 8 bằng cụm từ “người chấp hành án” để xác định rõ đối tượng cần được bảo vệ; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “cấm dùng nhục hình” tại khoản 8 Điều 10.  Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý khoản 8 Điều 10 quy định cấm “Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp”. Quy định này cũng đã bao hàm cả nội dung cấm “dùng nhục hình” như ý kiến của ĐBQH. 

Về thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù (Điều 25), có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 25 nội dung quy định về giải quyết trường hợp người được hoãn chấp hành hình phạt tù thay đổi nơi cư trú, nhằm quản lý hiệu quả đối tượng này.  Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định theo hướng: Trường hợp người được hoãn chấp hành án thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc thì áp dụng quy định như trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú, làm việc quy định tại Điều 68 của Luật này.

Về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 57), một số ý kiến nhất trí với quy định về thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Điều 57 dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị quy định việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện 2 lần/năm; có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm xét tha tù có điều kiện vào tháng 3, tháng 6, tháng 12 hằng năm; có ý kiến đề nghị xét mỗi năm 3 đợt vào dịp ngày lễ 30/4, Quốc khánh 2/9 và Tết Nguyên đán.

UBTVQH nhận thấy, việc quy định về số lần và thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện vừa phải bảo đảm kịp thời để bảo vệ quyền của phạm nhân, vừa phải tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ tương đối với các thời điểm xếp loại, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù của phạm nhân. Thực tiễn thực hiện việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho thấy, việc quy định 3 thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện là kết thúc quý I, kết thúc quý II và kết thúc năm là phù hợp. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho chỉnh lý Điều 57 theo hướng: việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện mỗi năm 3 đợt vào thời điểm kết thúc quý I, kết thúc quý II và kết thúc năm.

Về thi hành án tử hình (Chương IV), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại Chương IV dự thảo Luật về thi hành án tử hình; một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian cụ thể việc ra quyết định thi hành án tử hình để khắc phục tình trạng giam giữ người bị kết án tử hình quá lâu.

UBTVQH nhận thấy, qua báo cáo của Bộ Công an về tổng kết thi hành Luật Thi hành án hình sự thì những vướng mắc hiện nay trong công tác thi hành án tử hình chủ yếu là do quá trình tổ chức thực hiện. Đối với các quy định về thời hạn xem xét ân giảm án tử hình, quy định về thời hạn Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong phạm vi thẩm quyền phối hợp xử lý những vướng mắc trong công tác này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc, ngoài hình thức tiêm thuốc độc (Điều 82) cần bổ sung hình thức thi hành án tử hình khác cho phù hợp.

Qua tổng kết thi hành Luật Thi hành án hình sự cho thấy vướng mắc hiện nay trong công tác thi hành án tử hình chủ yếu do tổ chức thực hiện, không phải do quy định của Luật, nên Chính phủ không đề xuất sửa đổi nội dung này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo khắc phục hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành và đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của Luật hiện hành về hình thức thi hành án tử hình. 

Sau khi nghe Báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Nguyễn Hoàng