Chính phủ vừa ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định 58/2019/NĐ-CP là 1.624.000 đồng (quy định cũ tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng).
Nghị định 58/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng như sau: Mức trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: Diện thoát ly là 1.815.000 đồng; diện không thoát ly 3.081.000 đồng.
Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ 1.624.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ 3.248.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên 4.872.000 đồng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ) hưởng mức phụ cấp 1.361.000 đồng.
Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình hưởng mức trợ cấp 1.624.000 đồng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng mức trợ cấp 1.361.000 đồng.
Trường hợp bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41%-100%, mức trợ cấp từ 1.695.000 đồng-4.137.000 đồng. Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có bệnh tật đặc biệt nặng hưởng phụ cấp 1.624.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần
Trợ cấp ưu đãi hàng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại: Cơ sở giáo dục mầm non 200.000 đồng; cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật 250.000 đồng; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, phổ thông dân tộc nội trú 300.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là 300.000 đồng.
Về trợ cấp ưu đãi một lần, Nghị định quy định: Trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn; hỗ trợ chi phí báo tử 1.000.000 đồng.
Đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến được truy tặng, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.
Nghị định số 99/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019.
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2019.
Quy định về tặng, nhận quà tặng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; trong đó quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.
Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
Không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức
Về việc nhận quà tặng, Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.
Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Nghị định quy định rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để năm 2019 công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh với tinh thần nâng cao chất lượng hội nhập, nâng tầm toàn diện, sâu rộng, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả.
Năm 2018 vừa qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và vai trò điều phối liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta tiếp tục được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước.
Thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực hoàn tất cơ bản các cam kết kinh tế quốc tế có thời hạn thực thi trong giai đoạn 2015-2020, cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hướng tới tầm nhìn 2025; thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đàm phán, ký kết và thực thi các FTA với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Năm 2019, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cần tiếp tục được đẩy mạnh với tinh thần nâng cao chất lượng hội nhập, nâng tầm toàn diện, sâu rộng, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế yêu cầu để tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo về các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là xu hướng thay đổi cấu trúc dòng thương mại và đầu tư để tranh thủ nắm bắt cơ hội, Bộ Công Thương phải tăng cường năng lực hoạt động của Tổ công tác về theo dõi tình hình kinh tế thương mại thế giới, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển dịch thương mại, tác động đối với Việt Nam và phương án xử lý thâm hụt thương mại trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” và triển khai thực hiện sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan đánh giá hoạt động tham gia đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tài chính.
Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổng hợp và báo cáo đánh giá thực trạng đầu tư vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài, các kiến nghị, đề xuất.
Để tăng cường phối hợp công tác liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực thi và tận dụng hiệu quả các cam kết trong CPTPP đặc biệt các nhiệm vụ cần triển khai ngay trong năm 2019-2020 và kịp thời báo cáo Chính phủ về các vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác rà soát pháp luật liên quan đến thực thi CPTPP.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan phối hợp, chuẩn bị tốt để Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020 với các chủ đề, sáng kiến ưu tiên sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, logistics... nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của Việt Nam.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế; rà soát, đánh giá các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để rút kinh nghiệm cho giai đoạn mới; đẩy mạnh việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết của Việt Nam ở các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng “Bộ cẩm nang tích hợp các FTA theo chiều dọc về từng ngành, lĩnh vực cụ thể”; hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu theo ngành và theo lĩnh vực về hội nhập kinh tế quốc tế và nghiên cứu xây dựng phần mềm hệ thống thông tin trực tuyến phổ biến các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp, địa phương và hiệp hội, nhằm giảm chi phí, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả; đề xuất phương án tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 có tính đến mở rộng đối tượng, quy mô tổ chức, nội dung trọng tâm vào các vấn đề cốt lõi như thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, năng lực xử lý tranh chấp thương mại của Việt Nam./.