In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/8/2019.

16/08/2019 08:00
Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng-xhuyển giao (dự án BT).

Theo đó, tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tài sản kết cấu hạ tầng); các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho hợp đồng BT thì việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách Nhà nước, đầu tư, xây dựng; việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chỉ được thực hiện sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán; được xác định như sau: Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; cụ thể: Đối với tài sản công thuộc Trung ương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách Trung ương; đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách địa phương.

Thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời điểm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư. Thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.

Khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ, chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho nhà đầu tư.

Việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Xác định giá trị dự án BT để thanh toán

Nghị định quy định cụ thể xác định giá trị dự án BT để thanh toán. Cụ thể, giá trị dự án BT ghi tại hợp đồng BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu và không thay đổi kể từ ngày hợp đồng BT được ký kết, trừ trường hợp quy định đưới đây.

Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị dự án BT thì thực hiện như sau:

- Giá trị điều chỉnh dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan tại thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT.

- Giá trị điều chỉnh dự án BT ghi tại phụ lục hợp đồng BT được tổng hợp vào giá trị dự án BT để thanh toán, quyết toán hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật.

Giá trị dự án BT để thanh toán là giá trị dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật (giá trị quyết toán hợp đồng BT).

Nghị định có hiệu lực từ 1/10/2019.

Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án

Đó là nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được quy định trong Nghị định số 68/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định 68/2019/NĐ-CP quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức và giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Nghị định 68/2019/NĐ-CP nêu rõ 6 nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm:

1- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật xây dựng, nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư của dự án, phương thức thực hiện của dự án. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, kế hoạch thực hiện dự án, mặt bằng giá thị trường tại khu vực xây dựng công trình và các biến động giá dự kiến trong quá trình đầu tư xây dựng.

2- Nhà nước thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng thông qua việc ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật; hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

3- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt gồm cả trường hợp tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

4- Các công trình xây dựng đặc thù thuộc loại công trình bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống công cụ định mức, đơn giá xây dựng, chỉ số giá quy định tại Nghị định này để xác định chi phí đầu tư xây dựng, làm cơ sở xác định giá trị hình thành tài sản công đối với các công trình xây dựng này. Việc thẩm định, phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng các công trình này được thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng đặc thù tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

5- Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định này và phù hợp với đặc thù, tính chất các công trình thuộc các Chương trình này.

6- Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo các căn cứ, nội dung, cách thức, thời điểm xác định, phương pháp xác định các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng của công trình đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thống nhất sử dụng phù hợp với các giai đoạn của quá trình hình thành chi phí theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Nghị định này.

Cũng theo Nghị định, Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng và có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đo bóc khối lượng xây dựng công trình, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán xây dựng; xác định giá vật liệu xây dựng, giá nhân công xây dựng (bao gồm cả nhân công tư vấn), giá ca máy và thiết bị xây dựng theo cơ chế thị trường; quy đổi vốn đầu tư xây dựng và kiểm soát chi phí trong đầu tư xây dựng./.