In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11/2019.

14/11/2019 08:00
Quy định nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Nghị định này quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng Việt Nam.

Nghị định quy định rõ tàu biển đã qua sử dụng có thân tàu không bằng vật liệu phi kim loại được phép nhập khẩu để phá dỡ gồm: 1- Tàu chở hàng khô gồm: Hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép; 2- Tàu container; 3- Tàu chở quặng; 4- Tàu chở hàng lỏng gồm: Dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật; 5- Tàu chở gas, khí hóa lỏng; 6- Tàu Ro-Ro, tàu khác, sà lan biển, phà biển.

Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải đáp ứng các điều kiện sau: 1- Thuộc 1 trong 6 loại tàu trên; 2- Chủ tàu có văn bản xác nhận và chịu trách nhiệm về việc cam kết tàu biển không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải; 3- Không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại.

Nghị định cũng quy định rõ doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng các điều kiện sau: 1- Là doanh nghiệp Việt Nam do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ; 2- Là người sở hữu hoặc người quản lý, khai thác cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật.

Cơ sở phá dỡ tàu biển phải đáp ứng các điều kiện sau: 1- Có cầu cảng, luồng hàng hải đã được công bố theo quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017; 2- Có đủ điều kiện về bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019; 3- Có nhân lực, quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016; 4- Có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Theo đó, việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, an toàn phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định.

Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày bắt đầu phá dỡ.

Doanh nghiệp nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định.

Hỗ trợ tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống không quá 3 tỷ đồng/công trình

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Trong đó, sửa đổi quy định nội dung chi của Quỹ phòng, chống thiên tai. Cụ thể, chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai và các hoạt động sau:

Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí tối đa không quá 3 tỷ đồng/công trình (quy định cũ nhỏ hơn 1 tỷ đồng/công trình).

Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai: Sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y tế; thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán đến; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông báo, cảnh báo thiên tai tại cộng đồng; tuần tra, kiểm tra phát hiện khu vực nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, sự cố công trình phòng chống thiên tai.

Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa: Xây dựng và phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật; lập, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai; tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương và cộng đồng; diễn tập phòng, chống thiên tai ở các cấp; tập huấn và duy trì hoạt động cho các đối tượng tham gia hộ đê, lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ nhưng không vượt quá 3% tổng số thu.

Nhân sự UBND tỉnh Bắc Giang và Đài Truyền hình Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về nhân sự UBND tỉnh Bắc Giang và Đài Truyền hình Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 1598/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Dương Văn Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng thời, tại Quyết định 1597/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Linh, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 1595/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Ngọc Quang, Trưởng ban Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Khai thác tạm thời cảng cạn tại Long Biên, Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc khai thác tạm thời và bổ sung quy hoạch cảng cạn Long Biên tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải căn cứ các điều kiện cụ thể của Trung tâm Logistics Hateco (do Công ty cổ phần Hateco Logistics đầu tư xây dựng tại địa chỉ số 1, đường Huỳnh Tấn Phát, Khu công nghiệp Sài Đồng B, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) để quyết định theo thẩm quyền về việc cho phép Trung tâm Logistics Hateco được khai thác, sử dụng tạm thời với chức năng cảng cạn, đảm bảo hiệu quả và tuyệt đối an toàn (về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và an toàn giao thông trong khu vực) theo quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét bổ sung vào quy hoạch cảng cạn đối với Trung tâm Logistics Hateco theo quy định của pháp luật.

Phân công chuẩn bị dự thảo nghị quyết, chỉ thị

Để chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ quan trọng của năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị các dự thảo: Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, trình phiên họp Chính phủ tháng 11/2019; Dự thảo Chỉ thị về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 11/2019.

Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo tiến độ, nội dung 2 dự thảo trên trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều tra, sớm đưa ra xét xử vụ Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các vi phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba để sớm đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật và thu hồi tài sản do các hành vi phạm tội mà có. Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có sự bao che của cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước cần xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo rút kinh nghiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản khi đã để xảy ra vụ án trên địa bàn; nếu phát hiện có vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản; tiến hành rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về công tác thanh tra trong lĩnh vực môi trường.

Xét báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác thanh tra trong lĩnh vực môi trường, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường; chú trọng nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức làm công tác thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực môi trường, xử phạt vi phạm hành chính và thanh tra để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần kiến nghị xử lý hình sự đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường đến mức phải xử lý hình sự theo quy định pháp luật; kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, các giải pháp về ứng dụng công nghệ cao và tăng cường rà soát, xây dựng thể chế trong lĩnh vực này./.