In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông tin báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/2/2020.

18/02/2020 09:11
Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 với các nhiệm cụ cụ thể gồm: Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2020) để thực hiện từ năm 2021.

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng Ban thường trực, có sự tham gia của bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình.

Căn cứ phạm vi, đối tượng, định mức, nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ tổng hợp, cân đối, dự toán nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trước Quốc hội; 5 năm tổ chức tổng kết, trình Quốc hội về cơ chế, chính sách tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2026-2030.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng phân công cụ thể các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm tiến độ theo nội dung của Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội.

Tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới, hiện đại

Ngành thống kê cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới, hiện đại, giảm thiểu vùng trống thông tin thống kê phản ánh năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; khu vực kinh tế chưa được quan sát; các chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới, ngành thống kê cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống thống kê theo hướng hiện đại, chất lượng, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng thông tin thống kê, chất lượng công tác phân tích dự báo, tăng cường thực hiện các báo cáo phân tích chuyên sâu để cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế, đề xuất giải pháp để Chính phủ, các Bộ, ngành có căn cứ trong chỉ đạo điều hành.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện các đề án lớn của ngành, đặc biệt là Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; tiếp tục tổng hợp công bố việc điều chỉnh quy mô GDP các năm 2018-2020 và số liệu GRDP của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các năm 2018-2020; xây dựng bộ số liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tăng cường kết nối và khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính, đặc biệt cơ sở dữ liệu từ các ngành thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng. Tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin thống kê quốc gia. Triển khai hiệu quả Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thống kê, tiếp tục mở rộng hội nhập quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm của thống kê Việt Nam đối với các nước trong khu vực ASEAN; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN về thống kê.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác cán bộ, đổi mới phương pháp làm việc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thống kê và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, đặc biệt đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng ngành Thống kê ngày càng phát triển vững mạnh, xứng tầm với sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) theo dõi, đôn đốc bộ, ngành củng cố tổ chức thống kê của các Bộ, ngành theo tinh thần của Nghị định số 85/2017/NĐ-CP ngày 19/7/2017 quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, cơ quan ngang bộ. Các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng hệ thống thông tin thống kê theo hướng bảo đảm kết nối, cung cấp dữ liệu; thực hiện tốt công tác thống kê và sử dụng số liệu thống kê trong chỉ đạo điều hành.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê trong việc chia sẻ, cung cấp dữ liệu hành chính và thông tin thống kê, đặc biệt là các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam.

Đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Báo cáo Thủ tướng tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam

Trước thông tin phản ánh cao tốc Bắc-Nam đang chậm tiến độ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải báo cáo.

Trang tin điện tử Báo Thanh Niên ngày 11/2/2020 có bài viết "Cao tốc Bắc-Nam đang chậm mặt bằng, thiết kế kỹ thuật". Bài báo phản ánh, liên quan tiến độ các dự án cao tốc Bắc-Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải, hiện 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông đi qua mới bàn giao được 166/653,6 km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Theo kế hoạch, các địa phương dự kiến bàn giao đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trong quý II/2020. Tuy nhiên, công tác GPMB đã chậm so với tiến độ yêu cầu, không bảo đảm tiến độ hoàn thành bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp trong năm 2019. Nếu các địa phương không đôn đốc quyết liệt các hội đồng GPMB, tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý II/2020 sẽ không bảo đảm kế hoạch đề ra.

Cũng theo phản ánh, tiến độ trình duyệt thiết kế của các dự án cao tốc Bắc-Nam cũng đang chậm so với kế hoạch yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải là hoàn thành trước ngày 20/2.

Về phản ánh trên của Báo Thanh Niên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải báo cáo.

Yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm liên quan đến 2 mương thoát nước

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm liên quan đến các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Xét báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về kết quả xử lý các vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính, quận Ba Đình và mương thoát nước Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến 2 mương thoát nước trên theo đúng nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại các văn bản số 609/TB-VPCP ngày 28/12/2017, số 10106/VPCP-V.I ngày 17/10/2018 và số 6960/VPCP-V.I ngày 6/8/2019 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2020.

Huyện Châu Thành (Long An) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 256/QĐ-TTg công nhận huyện Châu Thành, tỉnh Long An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Châu Thành tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 259/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới và chương trình quan trắc đa dạng sinh học để đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.

Việc lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia phải đáp ứng các nội dung cơ bản: Xây dựng nội dung về phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường; xây dựng quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, xây dựng nội dung về bố trí mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, bao gồm định hướng các điểm, thông số, tần suất quan trắc môi trường đất, nước, không khí trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường.

Công tác quan trắc môi trường được thực hiện đối với các thành phần môi trường khác nhau, bao gồm: nước, không khí, đất, trầm tích, tiếng ồn,... Đối với từng thành phần môi trường khác nhau thì mục đích, yêu cầu và việc thực hiện quan trắc có sự khác nhau, mang tính đặc thù riêng. Do đó, để xây dựng được quy hoạch tổng thể cần thiết phải xây dựng được các quy hoạch quan trắc riêng đối với từng thành phần môi trường.

Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường, trong đó, về định hướng phát triển các phòng thí nghiệm, rà soát, đánh giá năng lực các phòng thí nghiệm tham gia công tác quan trắc môi trường; xây dựng định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm theo hướng nâng cao năng lực quan trắc, phân tích của cơ sở hiện có; tăng cường năng lực của các phòng thí nghiệm đối với hoạt động kiểm soát chất lượng và bảo đảm chất lượng (QA/QC);...

Xây dựng định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường cấp tỉnh và kết nối mạng lưới quan trắc môi trường.

Lựa chọn danh mục các dự án quan trắc môi trường quốc gia cần ưu tiên thực hiện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Triển khai các chương trình quan trắc tổng thể theo quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư bổ sung một số trạm quan trắc tự động tại các khu vực ưu tiên cao theo quy hoạch; đầu tư thiết bị, nhân lực phục vụ cho công tác quản lý các nguồn thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường; tăng cường năng lực quan trắc môi trường cho các trạm quan trắc môi trường quốc gia và địa phương;.../.