Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư.
Nghị định này quy định về công tác văn thư và quản lý Nhà nước về công tác văn thư. Công tác văn thư được quy định tại Nghị định này gồm: Soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư.
Về nguyên tắc quản lý công tác văn thư, Nghị định quy định: Công tác văn thư được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật.
Văn bản của cơ quan, tổ chức phải được soạn thảo và ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày theo quy định của pháp luật: Đối với văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đối với văn bản chuyên ngành do người đứng đầu cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ Nghị định này để quy định cho phù hợp; đối với văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định này.
Tất cả văn bản đi, văn bản đến của cơ quan, tổ chức phải được quản lý tập trung tại văn thư cơ quan để làm thủ tục tiếp nhận, đăng ký, trừ những loại văn bản được đăng ký riêng theo quy định của pháp luật.
Văn bản đi, văn bản đến thuộc ngày nào phải được đăng ký, phát hành hoặc chuyển giao trong ngày, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo. Văn bản đến có các mức độ khẩn: "Hỏa tốc", "Thượng khẩn" và "Khẩn" (văn bản khẩn) phải được đăng ký, trình và chuyển giao ngay sau khi nhận được; văn bản phải được theo dõi, cập nhật trạng thái gửi, nhận, xử lý.
Về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy. Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đúng quy định về công tác văn thư, chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác văn thư.
Cá nhân trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc có liên quan đến công tác văn thư phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Văn thư cơ quan có nhiệm vụ: Đăng ký, thực hiện thủ tục phát hành, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn bản đi; tiếp nhận, đăng ký văn bản đến; trình, chuyển giao văn bản đến; sắp xếp, bảo quản và phục vụ việc tra cứu, sử dụng bản lưu văn bản; quản lý sổ đăng ký văn bản; quản lý, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức; các loại con dấu khác theo quy định.
Lập Hội đồng thẩm định Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các ủy viên bao gồm lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định có Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành giúp Hội đồng thực hiện các công việc thẩm định.
Quyết định nêu rõ: Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Yêu cầu cơ quan được giao chuẩn bị báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến Chương trình để phục vụ công tác thẩm định; khi cần thiết, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định. Xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
Hội đồng thẩm định Nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định Nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự. Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng, vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định Chương trình trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên thẩm định Nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Đầu tư 2 đoạn đường bộ ven biển tỉnh Thanh Hóa
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa-Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương-Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa-Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương-Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã được quy hoạch; việc triển khai đầu tư xây dựng là cần thiết, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ Dự án 1.400 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho dự án và dự kiến bố trí 343 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công năm 2020.
Để có cơ sở quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), bảo đảm chặt chẽ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo rõ ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương đầu tư theo hình thức PPP và phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho dự án; quy định của pháp luật về tỷ lệ tham gia của Nhà nước trong dự án PPP và cơ chế cấp vốn, giải ngân phần vốn tham gia của Nhà nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến thẩm tra về tuân thủ các quy định của pháp luật về dự án và báo cáo giải trình của UBND tỉnh Thanh Hóa, trình Chính phủ trong tháng 3/2020./.