In bài viết

Tiêu dùng thông minh trong cuộc cách mạng thương mại điện tử 2020

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) ngày càng chú trọng chuyển dịch sang hình thức thương mại điện tử (TMĐT) để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng (NTD).

21/04/2020 15:00

NTD hãy mua hàng trên website chính thức của các công ty và các thương hiệu. Ảnh: VGP/D.Anh

“Ngày Quyền của NTD Việt Nam” 2020 đã quyết định lấy chủ đề “Bảo vệ NTD trong TMĐT” nhằm hưởng ứng, hỗ trợ và khuyến khích các DN hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng vẫn bảo đảm giải quyết bài toán bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NTD.

TMĐT là xu hướng kinh doanh, tiêu dùng tất yếu

Sách trắng TMĐT 2018 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành mới đây cho biết, trong năm 2018, toàn ngành TMĐT Việt Nam đạt quy mô 8,06 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2017, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ. Trong đó 36% số DN tham gia khảo sát cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2017). Đồng thời, tỷ lệ DN đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45% (tăng mạnh so với tỷ lệ 39% năm 2017), bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%. Thực tế tại Việt Nam hầu như các DN lớn cũng đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tiếp thị và chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, trong báo cáo "Các thành phố TMĐT hàng đầu ở châu Á" cũng ghi nhận rằng ngành TMĐT đang tiếp tục trở thành lĩnh vực đầy tiềm năng, tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân trên toàn thế giới, với tốc độ đáng kinh ngạc khi đạt doanh thu 2,86 nghìn tỷ USD vào năm 2018 và ước tính sẽ tăng thêm và đạt mức 6 nghìn tỷ USD vào năm 2022. 

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành TMĐT ở Việt Nam, khi việc kinh doanh bằng hình thức mua bán truyền thống đang gặp nhiều rào cản (như giá thuê mặt bằng, nhà xưởng, chi phí nhân sự cao). Đặc biệt theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì việc chuyển đổi mô hình sang hình thức kinh doanh sử dụng ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh dịch vụ mua hàng từ xa, giao hàng tại nhà, kèm nhiều hình thức ưu đãi nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người đang là lựa chọn sáng suốt và hiệu quả nhất.

DN, NTD cùng chung tay nâng cao nhận thức, bắt tay thực hiện Luật Bảo vệ NTD

Mặc dù nhu cầu kéo theo sự bùng nổ của việc mua hàng online đang đem lại những tiện ích, điểm sáng cho nền kinh tế hiện tại, nhưng TMĐT cũng là môi trường dễ bị trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Vì thế, Cục TMĐT và Kinh tế số đã chủ động có công văn gửi các website, sàn giao dịch TMĐT kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa nâng giá, tăng giá vận chuyển sản phẩm… Tất cả những hành vi này đều bị xử lý.

Theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cùng chủ trương bảo đảm, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NTD trong công cuộc chuyển dịch cách mạng TMĐT. DN được yêu cầu cần bảo đảm tiên quyết thực hiện 2 nhóm quy định sau:

Thứ nhất, DN phải cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ nếu có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của NTD và đưa ra thông tin các biện pháp phòng ngừa.

Quyền lợi của NTD khi tham gia là được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Do đó, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, nhưng chưa phát hiện được khuyết tật, bao gồm lỗi do sản xuất hàng loạt, lỗi phát sinh tại thời điểm hàng hóa từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng… đều phải có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho NTD.

Thứ hai, DN không lợi dụng sự nhạy cảm của dịch bệnh để thổi phồng công dụng về hàng hóa nhằm mục đích trục lợi.

Quyền lợi của NTD là được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng. Do dó, cụ thể trước tình hình dịch bệnh, các hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo thổi phồng sự thật công dụng sản phẩm, che giấu một số tác dụng không có lợi cho sức khoẻ hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ, uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ… đều bị cấm và có quy định phạt theo từng trường hợp cụ thể.

Song song với việc nắm rõ các quyền lợi nêu trên, NTD cần cân nhắc, thực hiện quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, nghĩa vụ của NTD được quy định tại điều 9 Luật số 59/2010/GH12 của Quốc hội bao gồm: 1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ. 2. Thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và TMĐT nói riêng là tiền đề để DN tạo ra sức bật, động lực phát triển kinh tế. Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhận thức-hành động của NTD và DN về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ mang lại niềm tin mà còn giúp cho ngành TMĐT ngày càng phát triển.

D.Anh