In bài viết

Mỹ ngừng sử dụng thuốc chữa sốt rét để điều trị COVID-19

(Chinhphu.vn) - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho hay 2 loại thuốc chữa sốt rét là hydroxychloroquine và chloroquine dường như không có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

16/06/2020 10:10
Ảnh minh họa

Ngày 15/6, FDA thông báo rút lại giấy phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp đối với các loại thuốc chữa sốt rét trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những loại thuốc này không có hiệu quả trong điều trị, ngược lại có thể có những tác dụng phụ gây chết người.

Trong một thông báo, FDA cho hay 2 loại thuốc chữa sốt rét là hydroxychloroquine và chloroquine dường như không có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trích dẫn báo cáo về các biến chứng tim, FDA khẳng định những loại thuốc này gây rủi ro lớn hơn cho các bệnh nhân hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào. Các loại thuốc này, thường được kê đơn điều trị các bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp, có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim, huyết áp thấp nghiêm trọng và tổn thương cơ hoặc thần kinh.

Với thông báo này, các lô thuốc của chính phủ liên bang sẽ không được phân phối tới các cơ quan y tế địa phương và bang.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đã tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng hydroxychloroquine để tìm ra loại thuốc giúp điều trị bệnh COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet tuần trước cho biết thuốc hydroxychloroquine có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức cũng đã ngừng sử dụng thuốc này để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Phát hiện kháng thể 'mạnh giúp chống lại COVID-19

Trong một diễn biến liên quan khác, mới đây, các nhà nghiên cứu Chile đã công bố phát hiện kháng thể mạnh nhất thế giới do một loại lạc đà không bướu sản sinh ra có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2, giúp tạo ra một loại ống hít qua đường mũi dùng để trung hòa loại virus này trong cơ thể người.

Theo bác sỹ Alejandro Rojas, Trưởng phòng Thí nghiệm Công nghệ sinh học y tế tại Đại học Austral (Chile), kháng thể này giúp ngăn chặn virus sao chép một cách hiệu quả. Nếu thành công, các chuyên gia sẽ xem xét việc tạo ra một công cụ cho phép kháng thể bám vào một phần của virus SARS-CoV-2 và ngăn chặn sự xâm nhập của nó vào tế bào.

Bác sỹ Rojas cho biết chi phí để thử nghiệm kháng thể mới có thể lên đến 2 triệu USD.

H.Phương