In bài viết

Có thể giảm tiếp giá thuốc đấu thầu tập trung

(Chinhphu.vn) – Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết nếu đưa các loại thuốc phát minh (biệt dược gốc) đã hết hạn bản quyền đấu thầu tập trung cùng với thuốc tương đương thuốc phát minh (thuốc generic) sẽ giúp giá thuốc tiếp tục giảm.

29/06/2020 15:01

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Xin ông cho biết tỷ lệ thuốc phát minh (biệt dược gốc) do bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán hiện nay là bao nhiêu và tập trung vào những loại bệnh nào?

Ông Lê Văn Phúc: Trong hai năm 2018, 2019, mỗi năm, quỹ BHYT thanh toán cho tiền thuốc tân dược khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó riêng thuốc phát minh là 11.500 tỷ đồng, chiếm 26,5%. Đây là một con số khá cao với các nước trên thế giới. Tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc ở các bệnh viện tuyến trung ương tại TPHCM lên tới 44,5%, còn tại Hà Nội là 38,9%, tập trung chi vào các loại bệnh ung thư, tim mạch, đường tiêu hoá…

Thông qua đấu thầu tập trung, những năm qua giá thuốc BHYT đã giảm bao nhiêu phần trăm thưa ông. Giá thuốc đấu thầu tại Việt Nam đã về đúng với giá trị thực chưa hay có thể tiếp tục giảm được nữa?

Ông Lê Văn Phúc: Thời gian qua, khi chúng ta thực hiện đấu thầu tập trung ở cấp Trung ương cũng như địa phương, giá thuốc đã giảm tới 30-40%. Việt Nam đang từ nước có giá thuốc cao trong ASEAN đã trở thành nước có mức giá gần như thấp nhất trong khu vực. 
Tuy nhiên, hiện giá giảm chỉ tập trung vào các loại thuốc tương đương thuốc phát minh, còn thuốc phát minh không giảm nhiều, kể cả đối với những loại thuốc phát minh đã hết bản quyền. Lý do là chúng ta đang đấu thầu riêng lẻ thuốc phát minh và thuốc tương đương thuốc phát minh. Trong khi các thuốc tương đương thuốc phát minh thường có 2 số đăng ký trở lên thì các thuốc phát minh thường chỉ có một số đăng ký nên vẫn đang “một mình một sân”. 
Theo thống kê, hiện gần 40% thuốc phát minh sử dụng điều trị bệnh ung thư và 60% thuốc phát minh điều trị bệnh tim mạch có thể thay thế bằng các loại thuốc thương đương thuốc phát minh với giá thấp hơn nhiều lần, đồng nghĩa với hàng trăm tỷ đồng có thể được tiết kiệm cho quỹ BHYT và bệnh nhân, đặc biệt những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Nhiều nước thường đưa ra mốc thời gian 5 năm, 10 năm, 15 năm… để giảm giá thuốc phát minh còn bản quyền, trong khi ở Việt Nam thuốc phát minh thường giữ nguyên giá từ khi được cấp phép lưu hành đến khi hết thời gian bản quyền. Tại sao lại như vậy thưa ông? 

Ông Lê Văn Phúc: Đúng là tại các nước khác, sau khi một loại thuốc phát minh được cấp phép lưu hành thì phải có lộ trình giảm giá sau 5 năm, 10 năm, 15 năm… Tuy nhiên, với cơ chế đấu thầu hiện nay, các loại thuốc phát minh dù đã hết hạn bản quyền nhưng khi tham gia lại “một mình một sân”, độc quyền giá. Vì vậy, chúng ta đang phải chịu thiệt thòi. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần phải thay đổi.

Hàng năm, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ đưa ra danh mục thuốc để đấu thầu. Vậy năm nay danh mục thuốc đấu thầu sẽ có những thay đổi gì thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Hiện tại, Bộ Y tế đang xây dựng để ban hành thông tư mới để sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BYT ban hành năm 2016 về Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.

Dự kiến, trong thông tư mới này, thuốc phát minh hết hạn bản quyền, lưu hành quá 20 năm có từ 2 số đăng ký thuốc tương đương sẽ đấu thầu chung nhóm với thuốc tương đương thuốc phát minh. Nếu làm như vậy giá thuốc ở Việt Nam sẽ tiếp tục giảm.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước tính các loại thuốc phát minh (cả trong thời gian bản quyền và hết bản quyền) đắt hơn thuốc tương đương thuốc phát minh từ 4-18 lần, trung bình là gấp 7-8 lần.
Nếu thay thế khoảng các loại thuốc phát minh đã hết thời gian bảo hộ 20 năm, đang lưu hành tại Việt Nam bằng thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1 sẽ tiết kiệm thêm nhiều nghìn tỷ đồng cho quỹ BHYT.


Đình Nam (ghi)