In bài viết

UBTVQH xem xét về dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) – Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét tại phiên họp thứ 47 diễn ra vào sáng 10/8.

10/08/2020 09:52

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng

Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Ngay sau kỳ họp Quốc hội, thực hiện phân công của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Trong quá trình này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức làm việc với 6 bộ, thực hiện khảo sát thực tế tại 3 địa phương, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan tại một số địa phương khu vực phía nam để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 7 chương, 40 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về giải thích từ ngữ, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú tại Điều 2 như “cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú” để làm rõ hơn sự khác biệt giữa việc đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.

Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21), theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến tán thành việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như Luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy Luật Cư trú hiện hành đang quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Đã có khoảng thời gian tạm trú nhất định và bảo đảm diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố đối với trường hợp nơi đăng ký thường trú là chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhằm mục đích hạn chế tình trạng di dân tự phát từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm mật độ dân cư tập trung và từ đó giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại các đô thị này.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã được khảo sát về việc không cần thiết quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như trong Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Đồng thời, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn (do là nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn).

Hơn nữa, so với quy định hiện hành, điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện về diện tích bình quân tối thiểu của nơi ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nên thực chất đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ là bỏ điều kiện về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú. Như vậy, sẽ chỉ tăng số người dân có đăng ký thường trú chứ hầu như không dẫn đến tăng dân số cơ học.

Để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như lo ngại của một số đại biểu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, nên tập trung vào các giải pháp có tính tổng thể về quy hoạch, về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, phát triển vùng, các đô thị vệ tinh, bảo đảm cân đối về phân bổ nguồn lực, thực hiện nghiêm việc di dời các nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành, không xây dựng các khu chung cư tập trung cao tầng ở khu vực nội thành… và hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, có tính chất phân biệt đối xử giữa các vùng, miền, nông thôn, đô thị.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú, nhưng cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ tăng thêm điều kiện đăng ký thường trú so với hiện nay (đối với các tỉnh), tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương khác nhau và chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc quyền tự do cư trú chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận tho rằng, trên thực tế, không chỉ ở các quận nội đô, mà ở một số tỉnh hoặc một số huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương cũng đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn; số người đăng ký tạm trú tăng nhanh, thậm chí nhiều hơn số người đăng ký thường trú và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn, ở nhờ.

Do đó, cần phải có một số điều kiện nhất định đối với việc đăng ký thường trú của nhóm đối tượng này nhằm bảo đảm điều kiện sống thiết yếu của người thuê, mượn, ở nhờ và phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú.

Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30), Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thuật ngữ “xóa đăng ký thường trú” đã được quy định trong Luật hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình tiếp tục quy định về xóa đăng ký thường trú.

Tuy nhiên, khi thực hiện phương thức quản lý cư trú mới thông qua cơ sở dữ liệu thì việc xóa đăng ký thường trú chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng ký của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; khi tra cứu thông tin về nơi thường trú của công dân sẽ không thể hiện địa chỉ nơi thường trú đã bị xóa, còn mọi thông tin khác của công dân đó vẫn được giữ nguyên trên các cơ sở dữ liệu nói trên.

Như vậy, việc xoá đăng ký thường trú nhằm ghi nhận chính xác tình trạng cư trú của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý dân cư nói chung và quản lý về cư trú nói riêng. Trường hợp công dân đã vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên nhưng không đăng ký cư trú ở nơi ở khác và cũng không khai báo tạm vắng thì không thể tiếp tục ghi nhận nơi đã đăng ký là nơi thường trú của người này để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước, tránh tình trạng cư trú ảo, đồng thời cũng tạo áp lực để người dân có ý thức hơn trong việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về cư trú.

Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định này như dự thảo Luật. Về ý kiến lo ngại việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và thủ tục hành chính của người dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc bảo đảm quyền công dân phải gắn liền với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của công dân. Do đó, để giữ đăng ký thường trú thì người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để làm rõ hơn nội dung của việc xóa đăng ký thường trú, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định yêu cầu cơ quan thực hiện việc xóa đăng ký thường trú phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú (Khoản 2 Điều 25). Nội dung tương tự cũng được chỉnh lý đối với quy định về xóa đăng ký tạm trú (Điều 30).

Về đề nghị trong Luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ý kiến của đại biểu là xác đáng.

Theo kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành.

Do đó, nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép cơ quan Nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú.

Nguyễn Hoàng