In bài viết

Tọa đàm Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo

(Chinhphu.vn) - Sáng 2/10, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”.

02/10/2020 11:42
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Thùy Linh
Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội, đồng thời thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã điểm lại lịch sử 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và những nét nổi bật của Thủ đô Hà Nội, "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", "Thủ đô anh hùng", "Thành phố vì hòa bình". Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng hồ sơ "Hà Nội - Thành phố sáng tạo" đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Và đến tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, danh hiệu Thành phố Thiết kế sáng tạo mới của Hà Nội cũng như những định hướng mới cho chiến lược phát triển Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng cũng như các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, đại sứ quán và các tập đoàn đa quốc gia vốn có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đổi mới cũng như chiến lược phát triển hướng tới chất lượng sống cao của đô thị.

Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Bí thư Thành ủy cho biết, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

Tại cuộc Tọa đàm cấp cao, lãnh đạo thành phố mong muốn được lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp các ý tưởng và sáng kiến. Qua đó, hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là thành phố sáng tạo UNESCO và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Tại Hội nghị, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam chia sẻ, để đạt được các mục tiêu đề ra, điều quan trọng đầu tiên là nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội về ý nghĩa của danh hiệu, tạo đồng thuận trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể. “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” là rất quan trọng, mặc dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian”, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Thùy Linh

Trong khuôn khổ các chương trình trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của “Mạng lưới các thành phố Sáng tạo”, lãnh đạo TP. Hà Nội, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút các đối tác, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, tổ chức tư nhân đóng góp vào việc phát huy và bảo tồn văn hóa cũng như đầu tư cho sáng tạo. Ông Lê Hoài Trung mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều thỏa thuận, hợp tác mới, góp phần phát triển TP. Hà Nội như mong muốn của các thế hệ người Việt Nam, những người luôn gắn bó và dành tình cảm đặc biệt với Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, ông Lê Hoài Trung cho rằng danh hiệu “Thành phố sáng tạo” chắc chắn sẽ tạo một khuôn khổ thích hợp để Hà Nội tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của các danh hiệu khác mà UNESCO đã ghi danh tại Hà Nội, vừa vì lợi ích của đất nước, vừa thực hiện các nghĩa vụ theo như cam kết của Hà Nội và Việt Nam với UNESCO. Thành công của Hà Nội sẽ khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo của nước Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Mạng lưới này được thiết lập từ 246 thành phố làm việc cùng nhau, hướng tới mục tiêu chung: Đưa sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành trọng tâm của kế hoạch phát triển trong nước và kế hoạch hợp tác tích cực cấp quốc tế.

Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu “Thành phố sáng tạo”. Thông qua việc tham gia mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội. Mạng lưới các thành phố sáng tạo là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng phản ánh vai trò đòn bẩy của sự sáng tạo trong phát triển bền vững mà còn là nền tảng của hành động và đổi mới, đặc biệt trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Thùy Linh