![]() |
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Giải trình về điều này, UBTVQH cho rằng, thực tế thời gian qua, các Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm đang được phép của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký với các tỉnh, thành phố của bên nước ngoài để đưa lao động của địa phương đi làm việc và không thu tiền dịch vụ của NLĐ. Do vậy, Chính phủ đề xuất luật hóa thực tiễn này.
Tuy nhiên, về đề xuất này, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành, loại ý kiến thứ hai, không tán thành việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài vì lo ngại sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước... Khi gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, có 26/40 Đoàn ĐBQH lựa chọn phương án 1 như đề xuất của Chính phủ. Do vẫn còn ý kiến khác nhau và chưa có phương án nhận được đa số ý kiến của ĐBQH nên UBTVQH xin trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, quyết định.
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) và nhiều ĐB tán thành với phương án 1 nhưng yêu cầu Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập không thu tiền của NLĐ và phải bảo đảm không phát sinh thêm bộ máy.
![]() |
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Khi thảo luận về dự thảo luật này, sự cố 39 người Việt Nam thiệt mạng trong container, được phát hiện tại hạt Essex, Đông Bắc London, Vương quốc Anh vào ngày 23/10/2019 tiếp tục được nhiều ĐBQH nhắc lại và kỳ vọng luật ra đời sẽ là chỗ dựa vững chắc của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 39 người này không phải là NLĐ Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng, không phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật này.
Về đề xuất Trung tâm việc làm thuộc UBND cấp tỉnh đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế, Bộ trưởng cho hay, vừa qua Chính phủ đã cho thí điểm ở 6 tỉnh đưa NLĐ đi làm việc ở Hàn Quốc thời gian ngắn từ 5-6 tháng, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, và giúp rất nhiều NLĐ có việc làm, đây là trung tâm phi lợi nhuận, NLĐ không phải trả phí. Trung tâm chỉ thực hiện đưa NLĐ đi khi tỉnh có thỏa thuận với phía bạn và giao cho Trung tâm làm, thời gian ngắn, không phát sinh chi phí, nhân sự và được phía nước bạn đồng tình cao. “Việc này không giao cho doanh nghiệp làm được vì là phi lợi nhuận, không thu phí, tạo cơ hội việc làm cho nhiều NLĐ. Đồng thời, giao cho Trung tâm cũng tăng cơ hội việc làm cho người dân đi lao động theo hợp đồng ở nước ngoài mà không phải mất chi phí như các doanh nghiệp khác”, Bộ trưởng nói.
Về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Quỹ này rất cần để hỗ trợ NLĐ và góp phần giải quyết các tranh chấp, Quỹ chỉ được sử dụng trong những tình huống cấp bách, Nhà nước không phải chi kinh phí.
ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị quy định chặt chẽ việc tyển chọn NLĐ của các DN, nhiều DN tuyển nhiều nhưng không đưa được NLĐ đi, khiến NLĐ mất nhiều chi phí. NLĐ khi trở về là nguồn nhân lực có chất lượng, do đó cần tận dụng tối đa nguồn nhân lực này, muốn thế phải có chính sách cụ thể để khuyến khích nguồn nhân lực này để học khởi nghiệp, tìm được việc làm phù hợp. Đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài cần được xác định không chỉ là tạo công ăn việc làm trước mắt mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nhân lực.
Lê Sơn