In bài viết

Thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá kinh tế - xã hội địa phương

(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật sáng 24/11, đại diện TP. Hà Nội, TPHCM, An Giang đều cho rằng việc thực hiện tốt công tác này đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đóng góp tích cực cũng như mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội tại địa phương.

24/11/2020 14:36

Đại diện các địa phương trao đổi ý kiến tại các điểm cầu. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, từ năm 2016 đến tháng 7/2020, Thành phố đã ban hành 307 văn bản quy phạm pháp luật (gồm có 86 Nghị quyết và 221 Quyết định). Trong đó có 15 nghị quyết ban hành cơ chế chính sách đặc thù của Thành phố liên quan đến tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội; một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020....

Thực hiện quy định của Luật Thủ đô, Thành phố đã kịp thời ban hành theo thẩm quyền 16 văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô (gồm 14 Nghị quyết; 2 Quyết định) đúng tiến độ bảo đảm các văn bản của Thành phố có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thủ đô. Ngoài những nội dung Luật Thủ đô giao, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố đã ban hành 5 văn bản để quy định chi tiết, bảo đảm thi hành Luật Thủ đô.

Việc triển khai thi hành Luật Thủ đô và các Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND Thành phố được ban hành theo đúng tiến độ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân Thủ đô, các cơ chế chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống.

Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, Thành phố đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/ 2019/QH14 ngày 27/11/2019 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng hơn nữa là Thủ đô của cả nước, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo ông Chu Ngọc Anh, những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các cơ chế, chính chính sách đặc thù nói riêng của Hà Nội đã có tác động tích cực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; huy động và phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài… Kết quả kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô những năm qua, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, còn tồn tại một số hạn chế về phát triển kinh tế, quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường… Nhìn từ góc độ pháp lý, có thể thấy rằng, những tồn tại nêu trên đều có liên quan mật thiết đến thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo. Cập nhật yêu cầu của thực tiễn, Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và Thành phố để thi hành Luật Thủ đô, thể chế hóa các cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 (sửa đổi năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá tác động của chính sách, văn bản pháp luật ngay từ trong quá trình xây dựng; bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm giải trình trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm, nguồn lực, tiến độ, hiệu quả của từng nội dung công việc cụ thể. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và tổ chức để Nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế và đánh giá, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong tổ chức thi hành pháp luật...

Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

Tại điểm cầu TPHCM, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tổng số văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND TPHCM ban hành trong giai đoạn 2015-7/2020 là 345 văn bản.

Các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND được ban hành hầu hết đều bảo đảm đúng theo quy trình, trình tự quy định; hình thức, nội dung các phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý của Thành phố. Từ đó kịp thời điều chỉnh các quan hệ pháp luật mới phát sinh trong thực tế xã hội, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn Thành phố.

Riêng đối với các lĩnh vực trọng tâm thực hiện theo dõi trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, UBND TPHCM đã ban hành 174 văn bản (gồm cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính cá biệt) để chỉ đạo, đôn đốc, đề ra các biện pháp để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn để theo dõi. Nổi bật với việc theo thi hành pháp luật đối với các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, y tế, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động,…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 để khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 có hiệu lực có đầy đủ văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho các địa phương thực hiện; giao các Bộ ngành rà soát các Nghị định, Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý ngành để bảo đảm đồng bộ với các Luật mới được ban hành để địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất; Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm có giải pháp xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hóa văn bản, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...

Tại điểm cầu An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Anh Giang cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh An Giang thực hiện nghiêm việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật. Năm 2019 và 10 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành 113 văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ về dân sự, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và góp phần ổn định xã hội, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giữ cũng an ninh trật tự trên biên giới...

Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày được nâng lên, lực lượng cán bộ công chức tham gia soạn thảo được tập huấn, chú trọng rà soát không để ban hành các quy định liên quan tới thêm các thủ tục hành chính, thêm thủ tục làm khó cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời bãi bỏ kịp thời các nội dung, quy định trái luật, không phù hợp, yếu kém trong công tác quản lý .Việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật luôn được làm kỹ, lựa chọn cách triển khai phù hợp với đồng bào dân tộc. Từ đó, tính chấp hành, tuân thủ pháp luật được nâng cao; chỉ số PCI, PAPI của tỉnh luôn được đánh giá cao qua từng năm…

Ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần nâng cao chất lượng ban hành luật, bảo đảm tính đồng bộ giữa các luật, tính kế thừa, hạn chế ban hành luật chậm; phân cấp, phân quyền, nhắm vào mục tiêu cải cách, tăng trách nhiệm cho địa phương; tổ chức lại hệ thống pháp chế cũng như các cơ quan chuyên môn để kiểm soát việc ban hành và thực thi pháp luật mang lại hiệu quả…

Hoàng Giang