In bài viết

Đề nghị Bộ GD&ĐT tiên phong chuyển đổi số

(Chinhphu.vn) - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tiên phong chuyển đổi số; không để nhiệm vụ nào Chính phủ giao quá hạn sau 31/12/2020; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công và chỉ định một số trường đại học thí điểm gửi nhận văn bản điện tử, từ đó nhân rộng ra toàn ngành.

08/12/2020 14:48

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD&ĐT sáng 8/12 về tình hình thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cắt giảm 26 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC

Báo cáo tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ GD&ĐT sáng 8/12 về tình hình thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 11 tháng năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ được giao chủ trì soạn thảo tổng số 16 văn bản. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã được Thủ tướng Chính phủ cho dừng soạn thảo 1 văn bản và cho chuyển 1 văn bản sang năm 2021.

Như vậy, trong năm 2020, Bộ GD&ĐT phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 văn bản. Kết quả đã trình ban hành 6/14 văn bản, đạt tỉ lệ 42,9%; đã trình nhưng chưa được ban hành 5/14 văn bản, chiếm tỉ lệ 35,7%.

Về nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên hệ thống trực tuyến, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/11/2020, Bộ GD&ĐT được giao triển khai 187 nhiệm vụ, trong đó có 49 nhiệm vụ có thời hạn xử lý trước ngày 30/11/2020. Kết quả đã hoàn thành 45/49 nhiệm vụ, đạt tỉ lệ 91,8%; chưa hoàn thành, quá hạn 4/49 nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 8,2%.

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Nghị định số 63 năm 2010 của Chính phủ, ngay từ đầu năm Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát TTHC, đưa vào rà soát 3 nhóm TTHC trọng tâm. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên, tiết kiệm được hơn 745 triệu đồng (tương đương 15,7%) chi phí tuân thủ TTHC so với trước khi đơn giản hóa.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT còn đơn giản hóa và cắt giảm 3 TTHC tại 2 Nghị định và 4 Thông tư.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Bộ GD&ĐT cắt giảm tổng số chi phí tuân thủ TTHC được gần 26 tỷ đồng (tương đương khoảng 28,89%).

Đề nghị đẩy mạnh thanh toán trực tuyến dịch vụ công của Bộ GD&ĐT

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Tổ phó Tổ công tác đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đến một số vấn đề dư luận tâm hiện nay như: Một số vấn đề về quản lý trường lớp, đội ngũ giáo viên chưa chuyên nghiệp về quản lý; trong phát hành sách vừa qua còn nhiều vấn đề; về chính sách tuyển dụng với giáo viên; về mô hình hoạt động của một số trường...

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đánh giá trong năm 2020, Bộ GD&ĐT đã có nhiều công tác nổi bật, nỗ lực đóng góp vào thực hiện "mục tiêu kép"; phương thức học trực tuyến bảo đảm chất lượng học tập là nỗ lực của ngành; công tác cải cách hành chính đã xóa bỏ được nhiều thủ tục rườm rà, trực tiếp có lợi cho học sinh và phụ huynh học sinh. 

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công của Bộ còn hạn chế, thủ tục thanh toán trực tuyến học phí để hạn chế tối đa việc đi lại còn chưa được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia... Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ tiếp tục cải cách, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, việc này sẽ góp phần giám sát thu, chi hiệu quả.

Về thanh toán học phí trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hà Anh Tuấn cho rằng nếu làm theo phương thức "5 trường 5 cách thì không thể thực hiện được mà cần một bài toán mẫu". Đồng tình với ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan cần xây dựng bài toán mẫu chuẩn xác, có mẫu chung cho thanh toán trực tuyến học phí, đây là cả một vấn đề nhưng cần đi từng bước.

Cử 4 trường đại học thí điểm gửi nhận văn bản điện tử

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phấn đấu dứt khoát không để nhiệm vụ nào được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao không hoàn thành trước 31/12/2020. Các nhiệm vụ đều phải được xem xét để hoàn thành bởi tinh thần của Thủ tướng là không giãn, không hoãn, đặc biệt là văn bản nợ đọng.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa những vấn đề xã hội, người dân, phụ huynh học sinh quan tâm, đề nghị Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị của Bộ tiếp tục khắc phục các tồn tại để làm tốt hơn.

Đối với công tác cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến các vấn đề: Thứ nhất là cấp chứng thư số, chữ ký số từ gửi văn bản của Bộ đến các Sở GD&ĐT, đến các trường Đại học để gửi nhận văn bản điện tử 2 chiều; thứ hai là đề nghị Bộ quan tâm hơn đến các dịch vụ công, đề nghị tiếp cận theo hướng CNTT là công cụ, phương tiện để cải cách TTHC.

Thứ 3 là đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ định một số trường đại học để thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử, thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp trong các công tác này, từ các trường được thí điểm triển khai nhân rộng cả Bộ.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ GD&ĐT tiên phong chuyển đổi số, VPCP sẽ cử Cục Kiểm soát TTHC làm đầu mối và đề nghị các cơ quan liên quan, Tập đoàn VNPT, Viettel phối hợp chặt chẽ, quyết liệt với Bộ GD&ĐT để thực hiện các nội dung này trong thời gian tới.

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã cử 4 trường Đại học: Đại học Luật TPHCM; Đại học Vinh; Đại học Ngoại Thương và Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan để thí điểm gửi nhận văn bản điện tử, thanh toán học phí trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Gia Huy