In bài viết

Phát huy sức mạnh tổng hợp “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, Chương trình sẽ không chỉ là sự phối hợp giữ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ đội Biên phòng mà phải là sự tổng hợp sức mạnh của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, sự chung tay của nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội.

26/12/2020 13:20

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. - Ảnh: VGP/Lê Sơn


Sáng 26/12, tại Thanh Hoá, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ  đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Uỷ viên Trung ương Đảng Trịnh Văn Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Tiếp sức, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, trẻ em vùng biên giới

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Địa bàn biên giới, vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng, là "tuyến đầu", "cửa ngõ", là "phên dậu" của đất nước. Chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển vùng biên giới, kết hợp chặt chẽ chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi, ổn định dân cư lâu dài ở khu vực biên giới. Đây là nhân tố có tính chất quyết định thành công trong chiến lược xây dựng “thế trận lòng dân”.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã lan tỏa ra các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền cao, với nòng cốt là cán bộ, hội viên phụ nữ và cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng, phát huy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thực sự tạo được dấu ấn về một cách làm đúng, đặt phụ nữ, trẻ em và người dân khu vực biên giới thành tâm điểm của Chương trình.

Chương trình đã chăm lo, tiếp sức hỗ trợ phụ nữ, trẻ em biên giới giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc bằng những hoạt động cụ thể gắn với nhu cầu thiết thân. Các đơn vị tổ chức đa dạng các hoạt động theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ: Hỗ trợ sinh kế mang tính bền vững như xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn vay, công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, phân bón cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức; hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm; trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ công trình dân sinh; khám chữa bệnh; phối hợp tổ chức xóa mù chữ; tuyên truyền phụ nữ biên giới phòng chống dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ bộ đội biên phòng chống dịch bệnh…

Theo đó, Chương trình đã nâng cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thông qua đẩy mạnh truyền thông sâu rộng ý nghĩa, mục đích chương trình trên nhiều kênh thông tin. Tuyên truyền trên báo đài truyền hình Trung ương và địa phương, qua các kênh thông tin các cấp Hội; thành lập fanpage “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương”; mở chuyên mục “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên Trang thông tin điện tử; đăng ký Logo bản quyền và áo nhận diện của Chương trình; tuyên truyền trong các Hội nghị/diễn đàn, các buổi sinh hoạt Chi hội phụ nữ; chia sẻ trên các trang mạng xã hội facebook, zalo…

Ủy ban Dân tộc trao tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể xuất sắc trong Chương trình. - Ảnh: VGP/Lê Sơn

137.665 tỷ đồng phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Hoạt động của Chương trình góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội xã biên giới khó khăn góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng biên vững mạnh. Đã tập huấn, truyền thông kiến thức thiết thực, cụ thể, các vấn đề chị em địa phương quan tâm. Một số xã biên giới chất lượng hoạt động Hội chưa hiệu quả, tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động Hội thấp, các tỉnh hỗ trợ tập trung tập huấn các kiến thức, kỹ năng công tác Hội cho cán bộ Chi/tổ, hội viên nòng cốt; tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động Hội; thành lập các mô hình thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động Hội; hướng dẫn cách thức, phương pháp giám sát chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em; hỗ trợ trang thiết bị máy tính, máy in, tài liệu, tủ sách, hỗ trợ kinh phí sinh hoạt Chi hội…

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, trong đó xác định 08 nhóm giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu năm 2020, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 137.665 tỷ đồng.

Ngày 15/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao. Tháng 11 vừa qua, Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung về xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, trong đó có việc: Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; tổ chức nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

“Đây là những chính sách, pháp luật rất quan trọng, có tính chiến lược, mục tiêu đề ra rất toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo. Cùng với Luật Biên phòng là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của giai đoạn 2018 - 2020, để tiếp tục triển khai Chương trình giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đơn vị, các cấp, các ngành cần quan tâm một số nội dung sau đây.

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên phải là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; tích cực, chủ động phối hợp cùng lực lượng nòng cốt, chuyên trách và cấp ủy, chính quyền địa phương vận động hội viên, phụ nữ và đồng bào chấp hành nghiêm Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, hiệp định, quy chế biên giới, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương; tích cực tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình và tham gia phòng, chống, giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới, nhất là tình trạng tội phạm mua bán người, vấn đề di cư lao động an toàn... Vận động đồng bào bảo vệ tài nguyên, môi trường, ăn, ở hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh; giữ gìn bản sắc văn hóa, hồn cốt dân tộc qua trang phục, dân ca, dân vũ, nhân cách thật thà, tốt bụng của đồng bào thiểu số; cùng nhau thực hiện thật tốt cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Về xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, các tỉnh quan tâm ưu tiên nguồn lực để Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng có điều kiện tham gia thực hiện Chương trình, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, để đồng bào tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, trung thành với Tổ quốc, chung tay bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Các xã thuộc Chương trình Đồng hành biên cương đều nằm trong địa bàn được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng các cấp chỉ đạo, tích cực phối hợp trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các dự án của Chương trình. Đặc biệt đối với Dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì cần bám sát mục tiêu, nội dung hoạt động để triển khai sớm, đồng bộ; cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo, bố trí đúng, đủ nguồn lực để các cấp Hội triển khai thực hiện, đóng góp có hiệu quả vào các mục tiêu bình đẳng giới của quốc gia.

Các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm chăm lo, giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới, như: Đói nghèo, thiếu việc làm, chất lượng nguồn nhân lực nữ, chăm sóc y tế, bạo lực gia đình, mua bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Bản thân chị em phụ nữ cũng cần tự nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm chủ cuộc sống. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của xã hội, mỗi phụ nữ cần phát huy vai trò của cá nhân, có khát vọng vươn lên, có ý thức cầu tiến, độc lập, tích cực học tập, nâng cao kiến thức và trình độ mọi mặt, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước, đặc biệt là sự ổn định, phát triển bền vững khu vực biên giới. Trong giai đoạn tới, Chương trình sẽ không chỉ là sự phối hợp giữ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ đội Biên phòng mà phải là sự tổng hợp sức mạnh của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, sự chung tay của nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội; phát huy sáng kiến, năng lực giám sát, quản lý, điều hành, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo môi trường ổn định để phát triển KT-XH.

Theo bà Bùi Thị Hoà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã có 324 mô hình (trị giá hàng chục tỷ đồng) hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mang tính bền vững như xây dựng mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn vay, công cụ sản xuất/vật nuôi/cây trồng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm của địa phương; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tự thực hành. Các đơn vị đồng hành đã hỗ trợ xây dựng gần 1000 công trình dân sinh: sửa chữa, làm mới các tuyến đường, cầu dân sinh, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản; công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xử lý rác thải; xây dựng gần 700 căn nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo… làm thay đổi diện mạo thôn bản biên giới. Các tỉnh/ thành đồng hành đã tổ chức hàng trăm đợt khám chữa bệnh tại các xã biên cương; tặng 70 nghìn suất quà cho hội viên, phụ nữ khó khăn, 7.000 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó. Từ năm 2018 đến nay, chương trình đã tiếp sức giúp 9 xã về đích nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo đời sống địa bàn biên giới.

Trước khi thực hiện chương trình, có 21/110 xã có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 50%, sau 3 năm thực hiện, không còn xã nào tỷ lệ tập hợp dưới mức quy định, phần lớn các xã đều có tỷ lệ tập hợp từ 70% trở lên, không còn xã hoạt động hội trung bình, yếu; 100% xã đều được trang bị và sử dụng tốt máy vi tính, tủ sách pháp luật; thực hiện 08 chỉ tiêu Chương trình đạt và vượt mức đề ra và ước tính 130 nghìn phụ nữ và trẻ em biên giới được thụ hưởng và tham gia chương trình. Sau khi phát động, số xã thuộc chương trình được nhận giúp đỡ nâng lên 110 xã (vượt chỉ tiêu 20 xã) và có thêm 45 xã biên giới được địa phương tự giúp theo phương thức tương tự.

Lê Sơn