In bài viết

Giữ bình yên muôn nẻo làng quê mùa COVID-19

(Chinhphu.vn) – Câu chuyện lấp đầy một cái bình rỗng bằng sỏi, cát và nước tưởng như ngụ ngôn ở đâu xa nhưng đó là hình ảnh diễn tả đúng nhất về sự uyển chuyển, tận dụng từng cơ hội nhỏ để tạo nên một năm sản xuất và xuất khẩu “vượt dịch” của ngành nông nghiệp.

13/02/2021 08:29

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (áo xám) đi thực tế trồng nhãn tại Hưng Yên - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhân dịp đầu xuân mới, nhìn lại một năm đầy biến động, Bộ trưởng cho rằng “Sự yên ổn trong lòng nông thôn thời COVID-19 mới là điều đáng quý”.

Không ai ngờ năm đầu tiên của thập kỷ mới cả thế giới lại phải trải qua những giờ phút hoang mang, lo lắng và cả những mất mát, chia lìa vì đại dịch toàn cầu trăm năm có một. Trong bối cảnh một năm 2020 đầy gian khó và thử thách, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đã “lách” theo từng khe hẹp của thị trường, đưa về 40,25 tỷ USD, nông sản Việt, vị thế Việt được khẳng định một cách vững chắc.

Đại dịch COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng 100 năm nay buộc mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải có những thay đổi để thích ứng, bởi dịch bệnh xảy ra ở một thời đại mà nền kinh tế hội nhập sâu rộng chưa từng có, các loại hình logictics, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, một thông tin có khi chỉ sau vài phút là cả thế giới đã tỏ tường.

“Không cần nói chúng ta cũng biết, COVID-19 đã làm tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe con người và nền kinh tế. Sức mạnh vô hình của con virus quái ác khiến kinh tế bị ngừng trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ khi nhìn lại năm 2020.

Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra khi dịch lại bùng phát từ Trung Quốc, nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài với ta, hoạt động giao thương, buôn bán đang ở giai đoạn vô cùng sôi động. “Quá trình kiểm soát dịch bệnh buộc mỗi nước đều phải có những bước đi thận trọng, dòng chảy hàng hóa vốn đang lưu thông một cách mạnh mẽ bỗng ùn ứ lại. Những điều này chúng ta có thể thấy ngay từ đầu năm 2020”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

Nhưng trong năm 2020, ngành nông nghiệp không chỉ chịu thách thức đến từ đại dịch toàn cầu trăm năm có một mà còn cùng lúc đối diện với 2 thách thức khác, cũng khắc nghiệt không kém, đó là thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

“Chưa từng có năm nào giao thừa trời mưa như trút nước, đúng mùng 1 Tết mưa đá ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc khiến gần 14.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng ngay trong ngày đầu tiên của năm mới. Sau mưa đá là hạn lịch sử, chưa bao giờ cả miền Bắc, miền Trunng, miền Nam phải đối mặt với hạn hán, trong khi đó vụ lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Hồng quyết định tới 60% sản lượng lúa cho toàn vùng”, Bộ trưởng Cường nhớ lại.

Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành nông nghiệp đã chủ động xoay trục, không chờ nước ở hồ Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu khi đó còn cạn kiệt mà lấy nước từ cửa biển, khi triều đẩy lên thì lập tức đóng sập để “bẫy” nước cứu 540.000 ha của Đồng bằng sông Hồng. Khi nước từ hồ Hòa Bình xuống thì đã đổ ải được 70%.

Trong khi đó, miền Trung cũng oằn mình trong cơn khát đỉnh điểm, khốc liệt đến mức ngọn cỏ cũng cháy khô, nếu không có đợt mưa diện rộng vào ngày 24/7 thì 28.000 ha lúa của miền Trung có nguy cơ mất trắng. Tương tự như vậy, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt cả kỷ lục năm 2015-2016, chưa bao giờ mùa hạn mặn lại kéo dài đến 6 tháng và mùa lũ lại kết thúc sớm như năm vừa qua.

“Chưa bao giờ có đến 3 loài hoa của 3 mùa hè, thu, xuân nở cùng một dịp (hoa sữa, bằng lăng và lộc vừng), chưa bao giờ từ cuối tháng 9 đến tháng 11, có đến 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập, có những điểm mưa lên đến 4.000 mm. Những thử thách ấy không còn mang tính dự báo mà nó đã hiện hữu, tác động trực tiếp vào đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân”, tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 cũng cán mốc 42,25 tỷ USD, cao hơn 2,6% so với năm 2019.

Nhưng năm 2020 cũng ghi nhận nhiều kỷ lục mà ngành nông nghiệp đã chạm tới, chưa bao giờ nông sản Việt đi khắp châu Âu, châu Mỹ lại rộn ràng đến vậy, lúa gạo cũng có một năm được mùa kép.

Câu chuyện lắng nghe tự nhiên để điều tiết sản xuất không chỉ có ở việc “bẫy nước” ở miền Bắc mà việc đối mặt với thử thách bằng tinh thần chủ động và linh hoạt còn ở cách thức “né” hạn mặn.

Năm vừa qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã điều chỉnh ngay lịch xuống giống. Nhận thấy tín hiệu thị trường tốt, chúng ta có chủ trương mở rộng diện tích lúa thu đông. Kết quả, sản lượng lương thực đạt 42,78 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu của 100 triệu dân và thỏa mãn nhu cầu xuất khẩu. Giá lúa gạo cao từ đầu đến cuối năm, bà con trồng lúa năm nay rất phấn khởi, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có lúc vượt cả Thái Lan, và trong bối cảnh dịch COVID-19, vai trò của Việt Nam trong sản xuất lúa gạo, cung ứng lương thực cho thế giới đã được khẳng định. Chúng ta đã có một năm sản xuất, xuất khẩu gạo trọn vẹn chưa từng có.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 cũng cán mốc 42,25 tỷ USD, cao hơn 2,6% so với năm 2019.

Đánh giá lại kết quả sản xuất năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Theo tôi, đây là kết quả tốt, trong bối cảnh thị trường rối loạn do COVID-19, trong khi trình độ logistics còn hạn chế, chúng ta đã tận dụng từng khe hẹp của thị trường để xuất khẩu hàng hóa. Nhưng tôi nghĩ, điều có ý nghĩa hơn tất cả mọi con số chính là sự yên ổn trong lòng nông thôn khi COVID-19 đã gây ra những nhiễu động bởi sự cách ly, phong tỏa. Mỗi ngày, nông sản vẫn từ các vùng quê tỏa đi khắp nơi cung ứng kịp thời cho người dân, không có tình trạng khan hiếm, cháy hàng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, cả thế giới lao đao về COVID-19 trong khi ở Việt Nam cứ về quê là yên ổn”.

Sự yên ổn ấy được tạo nên bởi thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới khi hạ tầng của nhiều vùng quê ngày càng khang trang, hiện đại, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng gấp nhiều lần, hiện đạt 43 triệu đồng/người, trong đợt dịch vừa qua, nông thôn đã là nơi trở về của rất nhiều người sau những đợt sóng mà COVID-19 tạo ra.

Nếu chắt chiu từng cơ hội chắc chắn những công sức lao động, dù là nhỏ nhất cũng sẽ được đón nhận và tạo nên thành quả là những giá trị xứng đáng, như câu chuyện lấp đầy một chiếc lọ, ban đầu là sỏi, sau đó là các viên đá dăm, rồi đến cát và cuối cùng là đổ nước vào để chiếc lọ thực sự không còn khoảng trống. 

 Đỗ Hương