In bài viết

Châu Á - tâm điểm của thế giới

(Chinhphu.vn) - Hội nghị G20 tại Hàn Quốc, Hội nghị thượng đỉnh APEC 18 tại Nhật Bản và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 diễn ra tại Trung Quốc đã khiến châu Á trở thành tâm điểm chú ý của thế giới tuần qua.

14/11/2010 08:03

Lãnh đạo các nước G20 và các khách mời tham dự Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Diễn ra trong bối cảnh tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại và thị trường tài chính toàn cầu có những biến động mạnh, Hội nghị thượng đỉnh G 20 lần thứ 5 được ví như cuộc đấu trí cam go nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để đưa con tàu kinh tế vượt qua sóng gió với 4 nội dung thảo luận chính: tỷ giá hối đoái, xây dựng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và vấn đề phát triển.

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ do các nước đua nhau giữ đồng nội tệ yếu để tìm kiếm lợi thế xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm.

Ngoài những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tăng giá đồng Nhân dân tệ, căng thẳng tiền tệ toàn cầu còn được “nóng” thêm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiến hành đợt mua trái phiếu mới trị giá 600 tỷ USD nhằm trấn an người dân rằng nền kinh tế Mỹ vẫn ổn.

Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích động thái này của FED, một số nước lo ngại rằng việc phát hành in tiền của FED có thể làm suy yếu đồng USD, đẩy giá hàng hóa lên cao và gây ra làn sóng đầu tư không thể kiểm soát vào các thị trường đang nổi. Nếu không làm dịu bớt những căng thẳng này, G.20 có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng chia rẽ và nền kinh tế thế giới dễ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Đây là một thách thức lớn đối với G.20.

Sáng kiến Hàn Quốc là điều được đặc biệt chú ý, nhất là vấn đề phát triển, theo đó các nước phát triển sẽ chuyển từ trợ giúp tài chính sang tăng cường tiềm năng tăng trưởng cho các nước đang phát triển. Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-Bak cho rằng các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần có những kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn tại các nước kém phát triển và giúp họ tự đứng trên đôi chân của mình.

Hội nghị APEC 18 đã diễn ra tại thành phố Yokohama  từ ngày 7-14/11. Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế các nước thành viên APEC lần thứ 22 đã họp trong 2 ngày 10 và 11/11 tại Yokohama và ra Tuyên bố chung, trong đó khẳng định việc thực hiện các biện pháp cụ thể hướng tới xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự về hội nhập kinh tế khu vực.

Tại hội nghị này, các Bộ trưởng đã thảo luận về những tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư của 13 nền kinh tế, nhất trí hợp tác thúc đẩy vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu kết thúc thành công càng sớm càng tốt, đồng thời cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện các nguyên tắc hiện nay của APEC, nhất trí  xây dựng Chiến lược Đầu tư APEC dựa trên 3 trụ cột là: các nguyên tắc và thông lệ; tạo điều kiện; và thúc đẩy, công nhận tầm quan trọng tăng cường liên hệ giữa khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách, nhất trí tổ chức cuộc đối thoại công-tư về đầu tư của APEC.

Kết quả thảo luận giữa các bộ trưởng sẽ được trình lên Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC 18. APEC hiện chiếm 52,7% GDP thế giới và 44,4% giá trị buôn bán toàn cầu. Do đó, các quyết định của hội nghị sẽ có ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, chuyến thăm 4 nước châu Á Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Barack Obama kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 7/11, là chuyến thăm nước ngoài dài ngày nhất và cũng được coi là quan trọng nhất của ông  Obama kể từ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ 2 năm qua.

Chuyến đi đã củng cố quan hệ của Mỹ với 2 đồng minh chủ chốt của nước này tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng quan trọng hơn là đã nâng cấp quan hệ với hai nước lớn trong khu vực là Ấn Độ và Indonesia.

Với Ấn Độ, Mỹ đã chuyển dẫn mối quan hệ từ “đối đầu” trong thời chiến tranh lạnh,  sang thành đối tác thời hậu chiến tranh lạnh và nay được nâng lên thành đối tác chiến lược. Với Indonesia, nước lớn nhất và chiếm vị trí cực kỳ quan trọng về chiến lược, do án ngữ mọi con đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, Mỹ cũng đã dần nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược.

Nếu thành công trong việc lập một liên minh hình vòng cung từ Nhật Bản qua Hàn Quốc đến Indonesia, qua Ấn Độ tới khu vực Trung Đông, Mỹ sẽ củng cố được vị trí của mình tại khu vực trọng yếu này của thế giới.

Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 16 đã khai mạc và bắt đầu những cuộc thi đấu ngày đầu tiên ở TP Quảng Đông, Trung Quốc sẽ kéo dài đến 27/11.

Đây là lần thứ 2 Trung Quốc đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này sau ASIAD tại Bắc Kinh năm 1990.

Nguyễn Chiến