In bài viết

Hướng dẫn cộng nối thời gian công tác để tính hưởng BHXH

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục giải đáp các thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chế độ BHXH đối với CBCC cấp xã, Phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam Điều Bá Được trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc cộng nối thời gian công tác để tính hưởng BHXH.

14/12/2010 12:37

>> Tiếp nhận, giải đáp về BHXH đối với CBCC cấp xã

>> Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về việc đóng BHXH

Ông Điều Bá Được - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam
Theo quy định chung, cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức danh và hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu công tác liên tục đến ngày 1/1/1998 thì thời gian đảm nhiệm chức danh trước ngày 1/1/1998 được tính là thời gian đã đóng BHXH.

Bạn đọc Lê Hoàng Vũ (Thái Nguyên, binhminhxanh0708@ymail.com) hỏi: Bố tôi là Phó Bí thư Đảng ủy phường, sau đó được cơ quan cử đi học một lớp chính trị, khi hết khóa học bố tôi tiếp tục công tác tại vị trí cũ. Vậy thời gian bố tôi đi học có được tính vào thời gian công tác để hưởng BHXH không?

Ông Điều Bá Được: Đối với cán bộ cấp xã thuộc chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu trước tháng 1/1998 được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, chính trị, sau khi hoàn thành nhiệm vụ khóa học tiếp tục giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đi học này được tính là thời gian công tác liên tục để hưởng BHXH.

Bạn đọc Trần Viết Thọ (Cao Bằng, banggiangriver0101@yahoo.com): Trước đây tôi đã có thời gian công tác trong quân đội, do hoàn cảnh gia đình, năm 1991 tôi phục viên về địa phương và sau đó tham gia công tác tại xã, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã. Tôi muốn được biết trường hợp nào thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian công tác tại xã để tính hưởng BHXH?

Ông Điều Bá Được: Trường hợp có thời gian công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15/12/1993 và không hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH.

Bạn đọc Hồ Thu (nguyentuongmax@gmail.com): Tôi có thời gian là công nhân, viên chức nhà nước, sau đó tôi được tổ chức điều động về làm Chủ tịch Hội Phụ nữ phường. Vậy khi nghỉ hưu, thời gian công tác để hưởng BHXH của tôi được tính như thế nào?

Ông Điều Bá Được: Nếu bà Thu thuộc trường hợp có thời gian là công nhân, viên chức Nhà nước chưa hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần hoặc BHXH một lần, được cấp có thẩm quyền điều động về xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì được cộng nối thời gian là công nhân, viên chức Nhà nước với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Minh (ngocminhnguyen_hg@yahoo.com.vn) hỏi: Cán bộ xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, có thời gian gián đoạn công tác trước tháng 1/1998 nhưng không quá 12 tháng, thì tính hưởng BHXH như thế nào?

Ông Điều Bá Được: Đối với cán bộ cấp xã thuộc chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 1/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.

Trường hợp cán bộ cấp xã đã được giải quyết hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH một lần trước ngày 1/1/2010 thì không được áp dụng quy định này.

Ban Bạn đọc