![]() |
Lễ mừng thọ các cụ làng Tương Mai- một trong 4 làng của vùng Kẻ Mơ, nằm ở cửa ngõ phía nam Kinh thành Thăng Long xưa, sáng 9/2 (tức mùng 7 Tết ) tại đình làng- Ảnh: Chinhphu.vn |
Để duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống mừng thọ, ngày nay, các địa phương trên cả nước đều tổ chức Lễ mừng thọ đầu xuân, nhằm tôn vinh, khích lệ những người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, tiếp tục đem sức lực, tinh thần, trí tuệ cống hiến cho xã hội.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, khắp nơi trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ bà, cụ ông từ 70 tuổi trở lên.
Hôm nay (9/2), tại Đình làng Tương Mai (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Hội Người cao tuổi phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Lễ mừng thọ cho các cụ ông ở tuổi 70- 80- 85- 90 đến trên 90 tuổi. Đây là những dấu mốc quan trọng đánh dấu tuổi thọ trong cuộc đời mỗi người. Năm nay, làng Tương Mai có 17 cụ đến tuổi chúc thọ.
Sau khi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tổ tiên, thành kính báo công với Thành hoàng làng, các cụ được chính quyền địa phương, thôn làng, khu dân cư trao tặng Giấy mừng thọ của Hội Người Cao tuổi và những phần quà mang ý nghĩa hết sức trang trọng.
Đón nhận sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi, sự quan tâm động viên của gia đình, dòng họ khiến các cụ thêm vui vẻ, phấn đấu giữ gìn sức khỏe, sống có ích.
Trong tâm thức người Việt, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là cái phúc lớn. Lễ Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Bởi quan niệm, người già là một kho kinh nghiệm sống lưu truyền cho con cháu. Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Việc tổ chức lễ mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng trân trọng. Đó cũng là cách giáo dục con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời, với xã hội.
Hiện nay, nước ta có 8,6 triệu người cao tuổi. Đời sống tinh thần, vật chất của đa phần các cụ cao tuổi ngày càng được xã hội, địa phương và gia đình, con cháu quan tâm hơn.
Ngoài chế độ chung của Đảng, Nhà nước, mỗi cụ từ 80 tuổi trở lên hàng tháng được nhận trợ cấp 180.000 đồng/người, các cụ có hoàn cảnh éo le đều được các cấp địa phương quan tâm, thăm hỏi, tặng quà những dịp lễ, Tết đến Xuân về. Ngoài ra, các cụ còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chăm sóc sức khỏe định kỳ...
Nghi lễ nhân văn
Theo giai thoại thì đầu thế kỷ 20, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm quan đến Tổng đốc, tuổi cổ lai hy, về làng còn lạy sụp một cụ già nông dân trên 80 tuổi.
Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến lý giải "Chức tước thì vua chúa có thể ban được nhưng tuổi tác chỉ có trời cho".
Ngày xưa, người bốn mươi tuổi đã được cả làng, trong họ quý như lão ông. Trong làng, năm mươi tuổi đã được làm lễ lên lão. Dẫu không phải các nhà chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè đình đám, các cụ lão ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều. Phong tục trọng lão ấy đến bây giờ vẫn được gìn giữ.
Ngày nay, trong gia đình khi có ông bà, cha mẹ ở tuổi 70, 80, 90... thì con cháu thường tổ chức mừng thọ. Lễ mừng thọ thường nhằm dịp sinh nhật hoặc ngày xuân-dịp Tết Nguyên đán. Đây là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ.
Dù lễ mừng thọ tổ chức to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ. Mỗi xã, mỗi phường ngày nay hầu hết có Hội thọ của các cụ cao tuổi. Các cụ bảy, tám mươi tuổi được Hội thọ đến chúc mừng, chụp ảnh, tặng quà lưu niệm.
Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của thế hệ cháu con, của phố phường, làng xã mà không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu.
An Bình