In bài viết

Quyền lợi của người lao động khi mất việc làm

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Đình Hạnh (dinhhanhvinashin@...) sinh năm 1965, đã 24 năm làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội. Nay Công ty của ông có thể bị giải thể, sáp nhập, bán, hoặc thay đổi cơ cấu . Ông Hạnh đề nghị cho biết chế độ khi nghỉ việc nếu đến nay ông chưa nhận bất cứ chế độ nào và tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ.

27/09/2011 16:01

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp trường hợp của ông Hạnh như sau:

Được hưởng trợ cấp mất việc làm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003, khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu tổ chức như sáp nhập, giải thể một số bộ phận của đơn vị dẫn đến người lao động (NLĐ) bị mất việc làm, mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) không giải quyết được việc làm mới cho NLĐ, phải cho NLĐ thôi việc thì NSDLĐ phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động và Điều 12 của Nghị định 39/2003/NĐ-CP.

Khoản 2, Điều 12 Nghị định 39/2003/NĐ-CP quy định, thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian làm việc thực tế cho NSDLĐ đó đến khi bị mất việc làm. Trường hợp NLĐ trước đó có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, thì thời gian đó được tính để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động. Khoản trợ cấp thôi việc này do Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm của đơn vị mà NLĐ bị mất việc làm trả cùng trợ cấp mất việc làm.

Công thức tính trợ cấp mất việc làm được hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư 39/2009/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2009. Cách tính trợ cấp thôi việc cho thời gian làm việc tại khu vực nhà nước áp dụng theo quy định tại Điều 2 Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định, NLĐ khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Tại Điều 81 và Điều 82 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng và mức trợ cấp thất nghiệp như sau:                   

- Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi có đủ các điều kiện: Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.

- Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

- Thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng, nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng, nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng, nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Trường hơp ông Nguyễn Đình Hạnh đã có thời gian làm việc và tham gia BHXH là 24 năm. Nếu tất cả các đơn vị ông đã làm việc đều là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thì khi công ty cuối cùng nơi ông làm việc bị giải thể, sáp nhập, bán, thay đổi cơ cấu mà dẫn đến việc ông bị mất việc làm, công ty cuối cùng đó sẽ phải giải quyết chế độ trợ cấp khi mất việc làm cho ông Hạnh, bao gồm các khoản sau: Trợ cấp mất việc làm cho giai đoạn làm việc tại doanh nghiệp cuối cùng, tính từ khi bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp cuối cùng đó đến ngày 1/1/2009 (là ngày tham gia BHTN); cộng với tiền trợ cấp thôi việc cho giai đoạn làm việc tại khu vực nhà nước trước đó.

Nếu doanh nghiệp cuối cùng và ông Hạnh thỏa thuận giải quyết cho ông thôi việc thì áp dụng quy định chế độ trợ cấp thôi việc cho toàn bộ thời gian làm việc tính đến 1/1/2009 (là ngày tham gia BHTN), cộng với quyền lợi chế độ riêng do doanh nghiệp thỏa thuận với NLĐ đồng ý thôi việc (nếu có).

Về chế độ BHXH, do vào thời điểm này ông Hạnh chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu nên ông được bảo lưu thời gian đóng BHXH, để sau khi có việc làm mới ông Hạnh tiếp tục đóng BHXH.

Về trợ cấp thất nghiệp, nếu doanh nghiệp và ông Hạnh đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp thì ông Hạnh được trợ cấp thất nghiệp.

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Ông Hạnh được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, nếu ông đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng; được hưởng trợ cấp 6 tháng, nếu ông đã đóng BHTN từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.