Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Di tích Thành nhà Hồ |
Bắt đầu từ Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và kết thúc là phố cổ Hội An (Quảng Nam), 6 di sản thế giới cũng chính là 6 điểm dừng chân không thể thiếu của mỗi du khách trong và ngoài nước. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc nhất của du lịch Bắc Trung bộ: Hành trình Di sản miền Trung hoặc còn gọi là Con đường Di sản miền Trung.
Điểm khởi hành là di tích Thành nhà Hồ, thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50 km. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Thành Nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn, cùng sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Đến thăm thành nhà Hồ, đừng quên thưởng thức món chè lam Phủ Quảng - top 50 quà tặng đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố.
Ảnh minh họa |
Từ Thanh Hóa, du khách đi qua Nghệ An, tới Quảng Bình để chiêm ngưỡng và phám phá Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa.
Phong Nha – Kẻ Bàng cách thành phố Đồng Hới 50 km về hướng Tây Bắc. Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, vườn quốc gia này còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kỳ bí, hùng vĩ và ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, hang động như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước.
“Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng có lẽ là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về sự kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á. Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015” – trích Wikipedia.
Mới đây, hang Sơn Đoòng một trong những hang thuộc quần thể hang động của Phong Nha-Kẻ Bàng được thế giới công nhận là Hang động lớn nhất thế giới. Vẻ đẹp sửng sốt của Sơn Đoòng đã được kênh truyền hình ABC (Mỹ) làm phim và phát đi trên toàn thế giới.
Từ Quảng Bình đi qua Quảng trị là tới Quần thể di tích cố đô Huế. Nằm bên bờ Bắc của con sông Hương, hệ thống kiến trúc quan trọng nhất của nhà Nguyễn là ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Gắn với kinh thành, cung điện, lăng tẩm còn có đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, điện Hòn Chén, chùa Linh Mụ, chùa Túy Vân... Đây là một hình thái kiến trúc tinh tế, các công trình kiến trúc gắn bó với cảnh quan sông núi hữu tình, chứa đựng những đường nét trang trí chạm khắc tinh xảo.
Thánh địa Mỹ Sơn |
Sau khi tham quan, du khách được trải nghiệm ẩm thực Huế phong phú với các món ăn đặc trưng như bún bò Huế, nem lụi, bánh bèo, bánh bột lọc... tinh tế và đặc sắc.
Không chỉ có Quần thể di tích cố đô, Thừa Thiên Huế còn đóng góp thêm 1 di sản thế giới cho Con đường di sản miền Trung là Nhã nhạc cung đình Huế. Được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003, Nhã nhạc Huế được biểu diễn vào các dịp lễ hội trong năm dưới triều đại nhà Nguyễn. Nhã nhạc cung đình Huế là biểu tượng của sự thịnh vượng và trường tồn của vương triều, bao gồm các thể loại: nhạc lễ nghi thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, nhạc thính phòng và kịch hát.
Đến Huế, du khách có thể thưởng thức nhã nhạc tại Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường hoặc trên thuyền dọc sông Hương buổi tối.
Là một điểm đến quen thuộc và được yêu thích trên các diễn đàn, trang mạng về du lịch như TripAdvisor… Phố cổ Hội An (Quảng Nam) là điểm du lịch có tỷ lệ khách nước ngoài quay lại và nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam.
Từ một cảng thị truyền thống, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ. Ai đến phố Hội dễ nhận ra dấu vết thời gian không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc của mỗi công trình mà có ở mọi nơi: trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ...
Quảng Nam còn có một di sản rất được du khách phương Tây yêu thích đó là Thánh địa Mỹ Sơn. Nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 km, xung quanh là đồi, núi, thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Mặc dù thời gian đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy loàng của văn hoá -kiến trúc Chăm Pa cũng như của Đông Nam Á.
Đánh giá về Con đường di sản Miền Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Chúng ta có hành trình di sản rất khác biệt, đa dạng và nổi bật. Nếu chúng ta kết nối từ Thành nhà Hồ Thanh Hóa tới Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) đến di sản gắn với cuộc chiến tranh giữ nước của chúng ta ở Quảng Trị, tới Cố Đô Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Nó mang đến cho chúng ta những trải nghiệm rất phong phú đặc biệt. Với 1 khu vực dày đặc di sản như vậy, tôi thấy rằng tiềm năng du lịch của Bắc miền Trung là rất lớn”.
Bộ VHTTDL đã tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2015 Thanh Hóa với chủ đề : Kết nối các di sản thế giới với mong muốn kết nối 6 di sản dọc Bắc Trung Bộ để phát triển mở rộng sản phẩm Hành trình Di sản miền Trung.
Nguyệt Hà
Bài 4: Du lịch Quảng Nam và thách thức vượt qua chính mình