Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Cần xây dựng nền văn học Việt Nam phải là nền văn học nhân văn, mang tư tưởng tiến bộ của thời đại. |
Ngày 15/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế” với sự góp mặt của đông đảo các nhà quản lý văn nghệ, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học trong cả nước.
90 tham luận của các nhà quản lý văn nghệ, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học… gửi tham gia hội thảo đã đánh giá thực tiễn văn học Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới (1986-2014) để qua đó có những giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục đưa nền văn học Việt Nam ngày càng phát triển.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, văn học Việt Nam đã đổi mới trên nhiều phương diện, đa dạng hơn về quan niệm văn học, phương pháp, giọng điệu; cởi mở hơn trong tiếp cận và lý giải hiện thực; cấu trúc thể loại cũng có những đổi mới đáng chú ý; văn học dịch ngày càng chiếm ưu thế so với văn học trong nước, và đang tác động sâu sắc đến giá trị văn học truyền thống; biên giới sáng tạo không còn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở ra tầm quốc tế; vấn đề quảng bá và giao lưu quốc tế trong văn học trở thành nhu cầu bức thiết của cuộc sống.
Bên cạnh nhiều thành tựu, đời sống văn học cũng còn tồn tại những hạn chế, nảy sinh một số vấn đề, hiện tượng mới phức tạp...
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nét nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới là các nhà văn đã cố gắng biểu đạt tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, quan tâm đến vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội và tâm lý con người hiện đại.
Nhiều hướng nghiên cứu mới đã được vận dụng và thu được kết quả tích cực như thi pháp học, phân tâm học, cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết diễn ngôn... Lực lượng phê bình văn học tuy còn mỏng nhưng đã cập nhật khá tốt thực tiễn văn học sôi động và phức tạp.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, cũng cho rằng: “Cần phải phân biệt rõ đâu là những tác phẩm đồng hành với đổi mới, nhất là đổi mới trên tinh thần hội nhập. Mà đã là hội nhập thì phải có tiêu chí của hội nhập văn học khu vực và văn học quốc tế. Đây là một vấn đề mấu chốt đặt ra trong hội thảo, cũng như trong việc chúng ta tổng kết lại một giai đoạn văn học đổi mới, để hướng đến một nền văn học đi đúng quỹ đạo, đảm bảo tự do dân chủ nhưng cũng đảm bảo những giá trị văn học dân tộc”.
Nguyệt Hà