• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đề cao giám sát và trách nhiệm giải trình của BV

(Chinhphu.vn) - Ngành y tế về lâu dài cần có cách nghĩ và cách làm mới để khuyến khích trách nhiệm giải trình khi bệnh viện (BV) ngày càng có nhiều quyền tự chủ hơn. Trong đó, quan trọng là đề cao chất lượng giải trình với các nội dung cần làm rõ như: Phải giải trình với ai? Liệu có cần một đơn vị tương đối độc lập để lo chuyện giám sát, đánh giá việc giải trình? Làm sao xây dựng môi trường giúp cải thiện chất lượng giải trình?

11/06/2019 10:30
Chờ khám bệnh ở BV Lão khoa Trung ương. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tự chủ BV là xu thế không chỉ của riêng Việt Nam bởi y tế là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh và cần nguồn lực lớn. Ngay cả ở các nước giàu có, BV công lập cũng đã dần chuyển sang tự chủ từ nhiều thập niên trước để đổi mới hoạt động quản trị và khám chữa bệnh. Và rõ ràng tại Việt Nam, kể từ khi các BV được dần tự chủ, chất lượng dịch vụ y tế cũng đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế đều tăng lên đáng kể. 

Cần cơ chế giám sát hiệu quả

Hiện tại hệ thống y tế cả nước đã có phân định tương đối rõ ràng chức năng của các cơ sở y tế nhưng làm sao để từng cơ sở luôn tuân thủ đúng nhiệm vụ được giao vẫn luôn là mối bận tâm lớn của các nhà quản lý ngành. Trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP cho phép 4 BV công đầu tiên được thí điểm tự chủ hoàn toàn, có thể thấy đã xuất hiện e ngại sẽ có những thách thức mà bản thân các BV khó giải quyết triệt để. Điển hình như mâu thuẫn giữa nhu cầu tăng doanh thu mà vẫn đảm bảo thực hiện tốt chất lượng khám chữa bệnh; hay mâu thuẫn giữa thực hiện chức năng của BV tuyến Trung ương với việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo yêu cầu…

Theo TS Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - các cơ sở y tế tự chủ cao nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát nội bộ và cơ chế giải trình, thay vì chờ đợi sự can thiệp từ các cấp quản lý thông qua hệ thống thanh tra.

Cùng chung mối quan ngại, PGS. TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Y dược TPHCM cũng cho rằng tự chủ có thể khiến BV phải nghĩ ngay tới nhiệm vụ lo lắng cho cuộc sống “cơm áo” của hàng trăm nhân viên y tế, lo làm sao để có nhiều bệnh nhân tin tưởng tìm đến. Rồi cũng vì quá nhiều bệnh nhân nên bác sĩ lại không thể đủ thời gian thăm khám, trao đổi kỹ lưỡng với từng ca bệnh. Hay để giải tỏa áp lực bệnh nhân đông đúc, người bệnh sẽ bị yêu cầu trước hết phải thực hiện hàng loạt xét nghiệm. Vậy là có thể dẫn tới những xét nghiệm thừa, không cần thiết, hoặc không chính xác.

Áp lực phải “giành” lấy bệnh nhân để trước tiên cân đối được tài chính cũng mở ra nguy cơ khiến BV tuyến trên muốn “làm thay việc” cho tuyến dưới. Ví dụ như “làm thay” những ca bệnh mà tuyến dưới hoàn toàn có thể chữa trị được hoặc sau khi hoàn tất các khâu trọng yếu về khám chữa bệnh, bệnh nhân vẫn bị “giữ chặt” với tuyến trên để theo dõi tiếp hoặc tái khám!

“Tự chủ là tốt cho từng BV để phát huy tính chủ động. Do đó, để tự chủ BV dễ đi theo hướng tích cực, nhất thiết phải có cơ chế giám sát và điều phối toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng dịch vụ và công bằng y tế. Từ đó, các BV mới cùng tiến bộ, nếu không sẽ nảy sinh vấn đề”, PGS. TS Trần Diệp Tuấn nhận định.

Từ một góc nhìn khác, TS. BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM - cho rằng tự chủ sẽ giúp các BV có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho mua sắm trang thiết bị, xây dựng hạ tầng phục vụ khám chữa bệnh. Trong đó có hình thức xã hội hóa, tức kêu gọi đầu tư tư nhân cùng tham gia. “Tuy xã hội hóa là hình thức tích cực nhưng nếu không cẩn thận cũng là môi trường cho nhiều tiêu cực nảy sinh, khiến BV bị lạm dụng khai thác”.

Đối với bệnh nhân nói chung, BV tự chủ hoàn toàn cũng dễ khiến người ta nghĩ rằng chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng cao hoặc những người bệnh có khó khăn tài chính sẽ không thể được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất...

Ảnh minh hoạ: VGP/Đình Nam

Cần môi trường khuyến khích giải trình

Vậy làm sao để một BV tự chủ hoàn toàn không xao nhãng chức năng xã hội của mình?

Lãnh đạo BV Ung bướu TPHCM - nơi đang tự chủ 100% chi thường xuyên - cho biết đã tính tới e ngại này từ nhiều năm trước. Vì vậy, BV đã lập Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng dành cho các đối tượng chính sách và bệnh nhân nghèo. “Khi tự chủ hoàn toàn, các BV càng nhất thiết phải có quy chế để luôn cân đối được nguồn quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân khó khăn. Bất kỳ mô hình y tế tiên tiến nào trên thế giới cũng dành ra phần ngân sách nhất định cho đối tượng này”.

Còn trên cương vị của người quản lý ngành, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho hay khi thực hiện chủ trương tự chủ BV, vấn đề giám sát cũng đã được đặt ra bởi “khi cho phép chủ động tìm kiếm nguồn thu thì đương nhiên người ta sẽ nghiêng về đối tượng mang tới nguồn thu cao hơn, vô hình chung tới lúc nào đó sẽ tác động lên những người yếu thế. BV công dù có giống BV tư về tự chủ tài chính nhưng BV công vẫn phải đảm trách chức năng xã hội là khám chữa bệnh toàn dân”. Đó là lý do khiến Sở Y tế TPHCM đã áp dụng hệ thống phần mềm liên tục cập nhật, ghi nhận và phân tích cơ cấu nguồn thu tại các BV công. “Với hệ thống này, nhà quản lý BV và cơ quan chủ quản là Sở Y tế sẽ nhận được tín hiệu cảnh báo sớm về xu hướng dịch chuyển nguồn thu giữa chức năng khám chữa bệnh theo yêu cầu, khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội hay những nhiệm vụ được giao khác. Khi được cảnh báo hàng quý, các cơ sở y tế sẽ kịp thời chấn chỉnh hoạt động của mình”, TS. BS Tăng Chí Thượng thông tin thêm

Một số kiến nghị khác của nhiều nhà quản lý BV còn đề xuất phân chia rõ ràng các loại khám chữa bệnh cho BV từng tuyến thực hiện. Hoặc BV tuyến đầu chỉ được nhận khám chữa bệnh theo yêu cầu với một tỷ lệ tương đối nào đó nhằm góp phần tự chủ tài chính. Như vậy, BV đầu ngành mới còn “dư địa” để làm những chuyện lớn lao hơn như nghiên cứu, chữa trị các bệnh nặng…

Bên cạnh các giải pháp và kiến nghị có tính “cơ học”, theo Hiệu trưởng Đại học Y dược TPHCM Trần Diệp Tuấn, nơi quản lý BV Đại học Y dược TPHCM, ngành y tế về lâu dài cần có cách nghĩ và cách làm để khuyến khích trách nhiệm giải trình khi BV ngày càng có nhiều quyền tự chủ hơn. Trong đó, quan trọng là đề cao chất lượng giải trình với các nội dung cần làm rõ như: Phải giải trình với ai? Liệu có cần một đơn vị tương đối độc lập để giám sát, đánh giá việc giải trình? Làm sao xây dựng môi trường giúp nâng cao chất lượng giải trình?

“Hệ thống y tế các nước khuyến khích báo cáo sai sót để cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe, còn chúng ta chưa có được môi trường ấy. Nếu BV có sai sót sẽ ‘được’ nổi tiếng trên báo chí ngay, rồi mọi người cùng vào phê phán, chỉ trích, gây áp lực…, thành ra nếu có sai sót người ta phải lo che dấu”, PGS. TS Trần Diệp Tuấn bày tỏ nỗi niềm.

Rõ ràng, nhu cầu xây dựng môi trường giúp cải thiện chất lượng giải trình không còn là chuyện riêng của một BV, hay của mỗi ngành y tế, như TS Huỳnh Thế Du từ Đại học Fulbright Việt Nam từng nói “công chức muốn sáng tạo, linh hoạt để làm điều tốt cho dân đang phải chấp nhận gặp rủi ro, thành công chưa chắc đã được gì mà thất bại thì lãnh đủ. Vì thế đã tạo ra sự khuyến khích ‘ngược’ - ai không có ‘vết’ nào mới dễ thăng tiến”. Dù vậy, vị chuyên gia kinh tế phát triển cũng tin rằng môi trường khuyến khích “thuận” không thể được luật hóa mà cần được thấu hiểu trước tiên trong tất cả các cấp quản lý nhà nước.

Phương Hiền

Sau thí điểm sẽ là đại trà?