• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Miền Nam dồn sức phòng chống dịch tả lợn châu Phi

(Chinhphu.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều tỉnh, thành phố ở miền Nam đã có các biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh này.

13/03/2019 12:04
Kiêng Giang kiểm soát chặt các đần lợn được vận chuyển ra các đảo. Ảnh: Báo SGGP 
Để xảy ra dịch, chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm  

Chiều 12/3, UBND TPHCM triệu tập cuộc họp với 24 quận, huyện và các sở, ngành về việc phòng chống DTLCP.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, các địa phương, sở ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc phòng chống DTLCP. Thời gian qua đã làm quyết liệt, thì nay càng phải quyết liệt hơn nữa.

Các địa phương triển khai ngay kế hoạch cụ thể, bổ sung, kiện toàn ban chỉ đạo, chủ động ứng phó các tình huống. Địa phương nào để xảy ra dịch bệnh thì chủ tịch quận, huyện đó chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.

Lãnh đạo TPHCM giao Sở NN&PTNT cùng các địa phương khẩn trương, triển khai quyết liệt, kiểm tra và xử lý nghiêm các điểm giết mổ lợn trái phép tập trung ở Gò Vấp; chuẩn bị tình huống khi DTLCP xảy ra ở các tỉnh quanh Thành phố; thông tin chính xác, kịp thời cho người dân...

Hiện nay TPHCM có 3.917 hộ nuôi lợn với khoảng 274.000 con. Bên cạnh những trang trại hay cơ sở nuôi áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, vẫn còn 247 hộ nuôi sử dụng lại thức ăn dư thừa.

Chi cục Chăn nuôi và thú y TPHCM cho biết, theo kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, 45% DTLCP lây lan là do vận chuyển, 32% do sử dụng lại thức ăn dư thừa, vì vậy lãnh đạo Thành phố yêu cầu các địa phương và ngành cần kiểm soát chặt chẽ 247 hộ này.

Dù DTLCP không lây sang người, nhưng không được xem thường, vì chưa có vaccine tiêm phòng, việc điều trị không hiệu quả, tỉ lệ chết rất cao, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

ĐBSCL triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch

Trước thực trạng DTLCP diễn biến phức tạp, những ngày qua, các tỉnh ĐBSCL đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống.

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP, trong đó yêu cầu Sở NN&PTNT và các sở ngành liên quan, cùng UBND cấp huyện khẩn trương triển khai khẩn cấp một số việc như: Chuẩn bị hóa chất tiêu độc sát trùng và phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện “Tháng tiêu độc khử trùng” trên địa bàn tỉnh, nhằm phòng tránh bệnh dịch xâm nhập.

Tuyên truyền cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh dịch trên đàn vật nuôi; chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn nhằm kiểm soát bệnh dịch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; thành lập các chốt kiểm soát gia súc ra vào tỉnh trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ giáp ranh với các tỉnh bạn.

UBND cấp huyện chỉ đạo việc tăng cường giám sát bệnh dịch đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, báo cáo nhanh và xử lý kịp thời các trường hợp phát hiện bệnh DTLCP. Bên cạnh đó, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi giấu dịch bệnh, bán chạy hoặc giữ lại gia súc mắc bệnh để tự điều trị làm lây lan dịch bệnh…

Tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, đặc biệt là giết mổ, kinh doanh và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại chân cầu Rạch Miễu, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, đàn lợn ở tỉnh dao động khoảng 340.000 con, ngoài ra tỉnh còn nhập thêm khoảng 5.000 con lợn mỗi tháng. Kiên Giang có tuyến đường biên giới khá dài và nhiều đảo, nên ngành chức năng rất chủ động phòng chống DTLCP.

Kiên Giang đã thành lập 5 tổ kiểm dịch lưu động; thành lập 2 tổ ứng phó nhanh nhằm đôn đốc, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh trên các địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, bố trí lực lượng trực xuyên suốt tại các trạm kiểm dịch, cửa khẩu; tăng cường phun thuốc khử trùng, khử độc các xe vận chuyển lợn… Đối với các địa phương có nhiều đảo như huyện đảo Phú Quốc chủ yếu nhập thịt lợn từ đất liền nên việc kiểm dịch được chú ý tăng cường.

Theo Chi cục Thú y tỉnh An Giang, tỉnh hiện có khoảng 120.000 con lợn và mỗi ngày phải nhập hàng trăm con lợn từ tỉnh khác về tiêu thụ.

Nhằm phòng chống DTLCP tốt nhất, ngành chức năng ở An Giang đã thành lập ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các huyện, xã. Ở các trạm kiểm dịch, cửa ngõ giao thông, cửa khẩu… đều có lực lượng thú y  trực xuyên suốt nhằm kiểm tra việc vận chuyển, tiêu thụ, phun thuốc khử trùng, khử độc; đẩy mạnh tuyên truyền đến hộ chăn nuôi ý thức và thực hiện các nguyên tắc phòng chống.

Song song với đó, tỉnh còn dự kiến kịch bản xử lý tình huống nếu trường hợp có dịch xảy ra, như khoanh vùng ổ dịch, bố trí nơi tiêu hủy, hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại….   

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, Sở thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ, kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; các trường hợp giết mổ lậu, sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh của cơ quan thú y. Hiện các cửa ngõ vào tỉnh được lực lượng thú y tăng cường để kiểm tra, giám sát.

Ngành NN&PTNT cũng hỗ trợ các địa phương không có lực lượng cộng tác viên hoặc lực lượng mỏng, nhân sự còn thiếu bằng cách vận động các cộng tác viên ở khu vực lân cận tăng cường hỗ trợ, đồng thời cử cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với phòng nông nghiệp, kinh tế, trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền sâu rộng cho người dân và các cấp chính quyền hiểu rõ, không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh và cũng không “tẩy chay” thịt lợn vì DTLCP không lây truyền sang người.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh về việc kiểm soát các trạm trung chuyển lợn tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận nhằm thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống DTLCP, đến ngày 5/3, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có 3 chốt đặt ở 3 cửa ngõ chính ra vào tỉnh gồm chân cầu Rạch Miễu (thuộc xã An Khánh, huyện Châu Thành), chốt khu vực cầu Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam), hướng khu vực phà Đình Khao vào, chốt đặt ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách; 3 chốt ở huyện Bình Đại đặt tại 3 bến đò.

Nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời gồm tập trung kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm liên quan đến lợn ra, vào tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.

Chi Mai (tổng hợp)