• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Vụ cá chết trên sông Bưởi: Công an vào cuộc

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 13 đến ngày 15/5, cá tiếp tục chết trên sông Bưởi khiến người dân hoang mang. Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát toàn bộ các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến lưu vực sông Bưởi; giao Công an tỉnh tiến hành điều tra vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.

16/05/2016 07:48
Chính quyền và người dân xã Thạch Định tiêu hủy cá chết. Ảnh báo Thanh Hóa
Hiện tượng cá chết trên sông Bưởi qua huyện Thạch Thành, Thanh Hóa đã tạm thời lắng xuống, tuy nhiên từ chiều ngày 13 đến chiều ngày 15/5, cá tiếp tục chết khiến người dân hoang mang. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Theo báo Thanh Hóa, lần này, cá chết tập trung vào các lồng nuôi trên sông của các hộ dân xã Thạch Cẩm và Thạch Định. 

Theo báo cáo của UBND hai xã Thạch Cẩm và Thạch Định, tính đến cuối giờ chiều 15/5, đã có 1,1 tấn cá nuôi bị chết và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cá chết đa phần là cá trắm đến kỳ thu hoạch, trọng lượng trung bình từ 2 đến 4kg. Cá chết thuộc 10 hộ gia đình, trong đó xã Thạch Cẩm 7 hộ, Thạch Định 3 hộ.

Ngay khi có thông tin cá tiếp tục chết, UBND huyện Thạch Thành đã chỉ đạo các ngành liên quan trong huyện về kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu cá chết để gửi các cơ quan chức năng xác định làm rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêu hủy bằng hình thức phun hóa chất trước khi chôn lấp. Hiện các cơ quan chức năng huyện Thạch Thành đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Điều tra làm rõ vụ việc

Liên quan đến vụ việc, báo Hòa Bình cho biết, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành xử lý ô nhiễm môi trường sông Bưởi.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với sở, ngành và UBND các huyện có liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát, thống kê toàn bộ các nguồn thải trên địa bàn có tác động, ảnh hưởng đến chất lượng nước lưu vực sông Bưởi để triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, khắc phục ô nhiễm môi trường nước và phục hồi môi trường nguồn nước bị ô nhiễm. 

Đồng thời, theo dõi kiểm tra, giám sát về môi trường và công khai thông tin, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở gây ô nhiễm.

Phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi.

Phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh Thanh Hóa xác định mức độ thiệt hại đến môi trường do cơ sở gây ô nhiễm môi trường gây ra để bồi thường thiện hại theo quy định của pháp luật...

UBND tỉnh Hòa Bình cũng giao Công an tỉnh chủ động nắm bắt tình hình; phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an và cơ quan liên quan tiến hành điều tra vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cá chết được phun hóa chất trước khi được chôn lấp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh báo Thanh Hóa

Trước đó, từ ngày 4 đến ngày 7/5 trên sông Bưởi đoạn từ xã Thạch Lâm xuống xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa đã xảy ra hiện tượng cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, số lượng ước tính hơn 17,2 tấn.

Qua kiểm tra đã phát hiện Công ty CP Mía đường Hòa Bình xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi.

 Ngày 10/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-BTNMT về việc thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bao gồm: Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình; Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng (Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình); Trang trại chăn nuôi gia công heo chị Bùi Thị Bình (nay là ông Nguyễn Ngọc Sáng).
Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày 12/5/2016.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã xử phạt Công ty CP Mía đường Hòa Bình 480 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm sông Bưởi.

Cơ quan chức năng cũng đã đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với công ty, buộc khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hành vi xả nước thải chưa qua xử lý.

Ngày 11/5, Công ty CP Mía đường Hòa Bình cũng đã đồng ý đền bù hơn 1,4 tỷ đồng, đồng thời cam kết sẽ chi trả tiền đền bù tận tay tới các hộ dân bị thiệt hại chậm nhất vào ngày 18/5 tới, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

* Về vụ cá bè chết ở đảo Phú Quý, Bình Thuận, ngày 16/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, tình trạng cá chết xảy ra vào ngày 9/5 tại khu Lạch Dù, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý. Đây là khu vực nuôi cá lồng bè tập trung của huyện đảo với khoảng 60 hộ nuôi. Hiện tượng cá chết chỉ xảy ra tại 7 hộ nuôi nằm ở khu vực gần bờ, có rạn san hô vây xung quanh, nước tù; cá nuôi tại các hộ còn lại và cá ngoài tự nhiên vẫn bình thường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đánh giá, nguyên nhân cá chết được xác định là do thời tiết quá nắng nóng, một số loại tảo bị chết khi phân hủy làm nước bị thiếu ôxy, gây mùi tanh hôi và vẩn đục. Khu vực nuôi của 7 hộ dân không có luồng nước chảy vào đúng thời điểm rong, tảo chết khiến cá nuôi trong vùng nước tù thiếu ôxy và chết. Đồng thời, vào thời điểm xảy ra sự cố hộ nuôi không có người canh trực để xử lý sục ôxy kịp thời.

Hiện nay, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, các hộ nuôi đã di chuyển lồng bè ra ngoài khu vực biển sâu hơn, có dòng nước chảy, từ ngày 10/5/2016 đến nay hiện tượng cá chết đã không còn xảy ra.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Phú Quý thông báo kết quả kiểm tra cho người dân được biết. Ngoài ra, tập trung hướng dẫn người nuôi trang bị đầy đủ các thiết bị xử lý môi trường khi có sự cố xảy ra; bố trí người trực tại lồng nuôi 24/24h, kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về môi trường và cá nuôi để xử lý kịp thời. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên bám sát vùng nuôi, hướng dẫn và yêu cầu người nuôi di chuyển lồng bè đến khu vực có điều kiện môi trường tốt để hạn chế rủi ro xảy ra.