Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một trong các thành phần của hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là sổ BHXH |
Bà Minh hỏi, công ty đang nợ BHXH thì có cách nào để bà được nhận tiền thai sản khi đã nghỉ việc không? Thủ tục ra sao? Bà muốn lấy bảo hiểm thất nghiệp thì cần công ty chốt sổ BHXH (sổ bà đang cầm) hay đến trực tiếp cơ quan BHXH làm thủ tục?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Về chế độ thai sản: Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định: Lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mới đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Trường hợp đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”.
Trường hợp của bà chưa được giải quyết hưởng chế độ thai sản do công ty nợ đóng BHXH, bà đề nghị công ty bà thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP nêu trên để giải quyết kịp thời chế độ thai sản đối với bà.
Về trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì một trong các thành phần của hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là sổ BHXH.
Do đó, để hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, khi chấm dứt hợp đồng lao động bà cần nộp sổ BHXH cho công ty nơi bà đang làm việc để hoàn thiện các thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên sổ BHXH theo quy định.