Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Phan Lạc Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Xuân Thịnh nhận định: Phiên chất vấn ở kỳ họp này có nhiều đổi mới, không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, cụ thể, rõ ràng. Tính chất của phiên chất vấn lần này nhằm xem xét lại việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các Đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi rất đúng, trúng với mục đích, mục tiêu đặt ra của phiên chất vấn, thẳng thắn đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo việc thực hiện lời hứa của mình, kể cả những vướng mắc trong tổ chức thực hiện trên thực tế.
Phần trả lời của lãnh đạo Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đều đi thẳng vào vấn đề đại biểu nêu, làm rõ nguyên nhân, khó khăn đặt ra, từ vi mô đến vĩ mô, và nêu ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ, đồng thời có kiến nghị cụ thể.
Cử tri mong muốn hành động cụ thể
Theo PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội (khóa XIII), đây là kỳ chất vấn chưa từng có tiền lệ, khi Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Như vậy, Quốc hội tập trung xem xét kết quả thực hiện "lời hứa" của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành theo 10 nghị quyết và nhóm 4 lĩnh vực gồm: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.
Trong phiên trả lời, nhiều Bộ trưởng mới nhậm chức khoảng hơn 2 năm nhưng đã nắm được rất rõ kiến thức, lĩnh vực mình phụ trách, đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể, sát với việc thực thi. Tuy nhiên, điều cử tri quan tâm, mong muốn là hành động cụ thể, thể hiện vai trò của các "tư lệnh ngành"; cử tri đang mong đợi các bộ trưởng thực hiện được những lời hứa, cam kết với dân.
Chẳng hạn, giáo dục là vấn đề lớn, Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 thể hiện rõ việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có việc thực hiện nội dung chương trình, chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên… Do đó, cần sự chung tay của toàn xã hội nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ cần tham mưu Chính phủ trong việc thực hiện cải cách sách giáo khoa, chương trình học, thi cử… để đáp ứng đúng thực tế hiện nay, bà An nêu ý kiến.
"Điểm mới nhất trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này là đã đặt giám sát lên, thể hiện đúng trách nhiệm của các đại biểu… Đây chính là tinh thần đổi mới, giúp thực hiện tốt lời hứa với các cử tri", PGS.TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.
Bà An nhìn nhận phiên "giám sát sau giám sát" này đã thực sự trở thành một cuộc "sát hạch" tiếp theo đối với các thành viên Chính phủ sau hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa diễn ra trước đó.
PGS.TS. Bùi Thị An mong rằng, Chính phủ, các "tư lệnh ngành" cần cụ thể hóa lời hứa thành những hành động, giải pháp quyết liệt và quyết tâm cao nhất; kỳ vọng sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội cần đánh giá rõ những kết quả đạt được và vấn đề cần tiếp tục giải quyết để bảo đảm hoạt động giám sát. Có như vậy, cử tri dễ dàng theo dõi việc thực hiện các cam kết của thành viên Chính phủ thời gian tới.
Người dân, doanh nghiệp thấy yên tâm về cách điều hành của Chính phủ
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Qua theo dõi 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, TS. Tô Hoài Nam nhận thấy các đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi khá cụ thể, cả về quá trình thực hiện. Các Bộ trưởng, tư lệnh ngành vững vàng, trả lời đúng trọng tâm nhiều nội dung, nắm chắc vấn đề.
Đặc biệt, phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng đã tạo hiệu ứng tích cực khiến người dân, doanh nghiệp cảm thấy yên tâm về cách điều hành của Chính phủ và các giải pháp mà Chính phủ đưa ra.
Theo ông Tô Hoài Nam, một trong những điểm hạn chế trong khâu thực thi chính sách là khả năng phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan chức năng. Trong khi đó, nhiều vấn đề đòi hỏi sự tham gia giải quyết của liên ngành. Việc Quốc hội chất vấn theo nhóm lĩnh vực tại kỳ họp lần này sẽ vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các tư lệnh ngành, các bộ trưởng cảm thấy cần phải tăng cường trách nhiệm, tăng cường phối hợp hơn nữa để tập trung giải quyết vấn đề, nói đi đôi với hành động.
Đây cũng là quan điểm mà ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và càng về những tháng cuối năm, chúng ta càng duy trì được tinh thần đó và đã tạo ra những chuyển biến trong phát triển kinh tế trong bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn.
Đồng thời qua trả lời chất vấn, các Bộ trưởng cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc để Quốc hội nắm được, có giải pháp tháo gỡ cùng Chính phủ, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, điều chỉnh pháp luật.
Theo TS. Tô Hoài Nam, hiện nay, 3 khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa là: Khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp, khả năng tiếp cận vốn và thủ tục hành chính.
"Đó là 3 vấn đề mà doanh nghiệp rất mong mỏi. Tháo gỡ được thì doanh nghiệp Việt mới cất cánh được", TS. Tô Hoài Nam chia sẻ.
Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh ngiệp, nhưng để giải quyết một cách đột phá thì Quốc hội cần chia sẻ với Chính phủ nhiều hơn. Những vấn đề Chính phủ trình, thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quan tâm, ủng hộ, chia sẻ với Chính phủ.
"Đơn cử như quy trình xây dựng, ban hành luật đòi hỏi mất nhiều thời gian. Nên chăng thời điểm hiện nay, Quốc hội tăng cường hơn việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết để giải quyết một số vấn đề cấp thiết", TS. Tô Hoài Nam đề xuất.
Có đồng quan điểm với các đánh giá, nhận xét nêu trên về những đổi mới của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Khắc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Airtech Thế Long, chia sẻ: Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Khắc Long, đây là phiên trả lời chất vấn thành công của các thành viên Chính phủ. Nếu như trước đây chỉ 4 thành viên Chính phủ được lựa chọn "lên ghế nóng" để trả lời chất vấn về các vấn đề mà thuộc lĩnh vực ngành quản lý thì tại kỳ họp lần này, với sự có mặt, tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ, phần lớn những vấn đề mà cử tri quan tâm, những câu hỏi được Đại biểu Quốc hội nêu tại nghị trường đều được trả lời, giải trình, làm rõ.
Đáng chú ý, các thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn và trực diện vào những vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là những vấn đề còn nhiều tranh luận và có nhiều ý kiến khác nhau.
Các thành viên Chính phủ đã không né tránh trong việc nhận trách nhiệm với những mặt còn tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực ngành, phụ trách. Cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội và đã đề ra được những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, căn cơ để khắc phục những bất cập này.
Dưới góc nhìn của một doanh nghệp, ông Long chia sẻ, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID nhưng với hàng loạt giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả và linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đã từng bước được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính, pháp lý, nguồn vốn, tạo động lực và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch.
"Chính phủ đang hành động quyết liệt, đồng hành và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng", ông Long nhận xét.
Thùy Linh-Hoàng Giang-Toàn Thắng