In bài viết

Xóa tâm lý "môn phụ"

(Chinhphu.vn) - Tình trạng học sinh sợ và không thích học các môn khoa học xã hội tồn tại từ lâu. Chuyện chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học các môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa ở bậc THPT cũng đã được dư luận xã hội đề cập nhiều lần và mặc dù ai cũng biết, những bộ môn khoa học xã hội mới chính là những môn học đào tạo nên nhân cách của một con người...

14/04/2013 10:09

Học sinh trường THPT Việt Đức đang trao đổi sau giờ tan học. Ảnh: VGP/Phương Liên

Em Hồ Thủy Tiên, học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội bày tỏ: “Từ nhỏ  em đã rất thích đọc truyện lịch sử và từ  cấp 2 lúc nào cũng được trên 8 phẩy môn Sử. Nhưng từ  ngày lên cấp 3, phải học rất nhiều môn nên em cũng không còn tập trung và dành nhiều hứng thú cho môn Sử nữa”.

Tâm lý “môn phụ”

Còn bạn Lê Thị Thoa (Nam Định) đã từng đạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi Lịch sử lớp 12 toàn quốc nhưng đến khi vào đại học bạn lại chọn học chuyên ngành báo chí. Thoa tâm sự mặc dù yêu thích lịch sử nhưng trong tương lai bạn không muốn chỉ bó gọn chuyên môn sử mà thích làm nhà báo để có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Đó là đối với những học sinh có tình yêu với môn Sử, còn lại đa số học sinh cho rằng môn Sử chỉ là môn phụ, lại có số tiết ít nhất trong tất cả các môn học nên chẳng cần phải tập trung, thi cử chỉ là đối phó.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, vì học Sử không thi được vào nhiều trường đại học nên không cần quan tâm nhiều. Các em đều cho rằng môn lịch sử khô khan, không hấp dẫn, và có nội dung nặng, phải học thuộc lòng quá nhiều.

Bên cạnh đó, với tâm lý “học gì, thi nấy” nên nhiều phụ huynh đã định hướng cho con em mình chỉ học các môn chính Toán, Văn, Ngoại ngữ và các môn tự nhiên để thi đại học vào các ngành thời thượng, sau này xin việc cho dễ. 

Chị Hải Yến (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đang có con học lớp 10 nói: “Với chương trình học nặng như hiện nay, thực sự tôi chỉ yêu cầu con học tốt những môn chính để sau này thi đại học. Chứ nếu đòi hỏi học tốt thêm cả những môn cháu không thi đại học thì sẽ quá tải”.

Trong những môn xã hội ở bậc phổ thông hiện nay, môn Văn vẫn được phụ huynh chú ý, tập trung định hướng cho con học nhiều nhất. Bởi theo quan niệm của họ, môn Văn là một trong những môn chính, không thể không học.

Đổi mới cả cách dạy lẫn cách học

Theo cô giáo môn Lịch sử đã về hưu Nguyễn Thị Vân, đã đến lúc xã hội phải nhìn lại việc dạy và học các môn xã hội một cách nghiêm túc. Cô Vân cho rằng thay đổi phải bắt đầu ngay từ các bậc phụ huynh, phụ huynh phải có ý thức về lịch sử thì con mới dành thời gian học môn Lịch sử.

Tiếp đó, cần thay cách tư duy và viết sách giáo khoa lịch sử hiện nay. Sách giáo khoa cần được biên soạn theo hướng mở tránh những câu từ gây sự nhàm chán cho học sinh. Giáo trình và phương pháp dạy tốt sẽ khiến cho học sinh không thể học theo cách thụ động, nghe giảng, ghi chép, học thuộc lòng, nên đâm ra chán, ngán, chỉ cố nhồi cho xong để kiểm tra, rồi thi rồi sau đó quên hết, “chữ thầy trả lại thầy”.

Bạn Trần Ngọc Tùng, lớp 11, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đề xuất: “Môn lịch sử  có thể cuốn hút học sinh bằng nhiều cách như thay bài kiểm tra 1 tiết bằng việc thuyết trình về một chủ đề lịch sử tự chọn hay một bài nghiên cứu về lịch sử hoặc những hoạt động khác để học sinh hứng thú với môn Sử hơn”.

Cô Nguyễn Thị Vân cho rằng, việc thay đổi cách viết sách giáo khoa là căn bản song quan trọng là giáo viên cần phải dạy các em phương pháp làm bài môn Lịch sử hoặc Địa lý cũng như cách hành văn của các môn này khác gì so với các môn khác.

Trong chương trình học bậc phổ thông có nhiều bất cập, chính sự bất cập này mới tạo ra môn chính, môn phụ. Việc dạy và học lịch sử, hay các môn xã hội khác nếu thiếu tư duy khoa học thì mãi mãi chỉ nghĩ là môn học thuộc lòng.

Tuy nhiên, không thể không nhớ rằng các môn khoa học xã hội mới chính là những môn đào tạo nên phần tâm hồn, nhân cách của một con người. Học sinh có học tốt các môn xã hội trên ghế  nhà trường sẽ là điều kiện để xây dựng một xã hội đạo đức với nhiều nét đẹp tinh thần.

Phương Liên

Bài liên quan:

Cần bỏ quan niệm "thi gì học nấy"