Kết quả kiểm tra tại BVĐK Trí Đức sau khi 2 bệnh nhân tử vong cũng cho thấy điều kiện bảo quản thuốc bảo đảm phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm của thuốc, bà Hà nói. Hiện, toàn bộ số thuốc trong lô gây mê còn lại của BV đã được niêm phong.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, Sở đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê được sử dụng cho 2 bệnh nhân trên. Đây đều là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các BV. Vì vậy, Sở đã yêu cầu BVĐK Trí Đức rà soát lại toàn bộ quy trình gây mê, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân.
Với các triệu chứng ban đầu, các bác sĩ đều nghi ngờ là sốc phản vệ, đây là sự cố y khoa rất khó lường và xảy ra đột ngột. Phải có kết luận chính thức từ pháp y và của hội đồng chuyên môn, Sở Y tế sẽ thông tin đến báo chí.
“Đây chỉ là những tìm hiểu ban đầu, kết quả khám nghiệm tử thi của 2 bệnh nhân sẽ có sau 4 tuần nữa”, bà Hà nói.
Trong số y bác sĩ tham gia 2 kíp phẫu thuật, thủ thuật cho 2 bệnh nhân trên, có 2 thành viên không có tên trong danh sách nhân lực thường xuyên làm việc tại BVĐK Trí Đức, theo bà Hà, 2 người này gồm một kỹ thuật viên gây mê là điều dưỡng và một người làm công việc rửa dụng cụ. Hai nhân viên này có ký hợp đồng với BV nhưng không trực tiếp thực hiện gây mê cho bệnh nhân. Hiện 10 y bác sĩ thuộc 2 kíp mổ liên quan đến 2 bệnh nhân này đã bị tạm đình chỉ phẫu thuật.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc gây mê là tiến bộ của y học nhưng cũng là “con dao hai lưỡi”. Nó có thể có tác dụng phụ, như gây suy hô hấp, giảm huyết áp, suy chức năng tuần hoàn não, co thắt phế quản… Muốn xác định nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi gây mê cần tìm hiểu thuốc sử dụng gây mê, quy trình tiến hành gây mê, trình độ người thực hiện…
Thúy Hà