Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đề án Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế đã được các chuyên gia của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) - Đại học Fulbright Việt Nam; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPPG) đóng góp ý kiến xây dựng. Ba nội dung cốt lõi của Đề án là: Cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM để phát triển thành Trung tâm tài chính quốc tế; mô hình trung tâm tài chính quốc tế và xây dựng hệ sinh thái fintech, ngân hàng số.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, hiện nay, TPHCM đang là trung tâm tài chính quốc gia và có vị trí trung bình trong ASEAN. Nếu xét về thị trường tiền tệ thì TPHCM đóng góp 58% nhưng về thị trường vốn (kể cả chứng khoán vốn, chứng khoán nợ) thì Thành phố đóng góp tới 95%.
"Như vậy, khát vọng của chúng ta là xây dựng TPHCM từ trung tâm tài chính quốc gia tới khu vực và tới quốc tế. Trước mắt, có thể nói rằng Đề án hướng tới tầm nhìn toàn cầu", ông Trần Du Lịch khẳng định.
Mô hình trung tâm tài chính quốc tế
Ông Vũ Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, một trong những tác giả của Đề án cho biết, Tổ chức xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu xác định, TPHCM vốn đã là một trung tâm tài chính thứ cấp. "Tuy nhiên, những dịch vụ tài chính ở đây vẫn phục vụ thị trường tài chính và nền kinh tế nội địa nên bây giờ, chúng ta muốn đẩy mạnh tính chất quốc tế của nó", ông Thành nhấn mạnh.
Về mô hình trung tâm tài chính, theo ông Thành, quan trọng nhất là phải xác định sắp tới, chúng ta sẽ ưu tiên thu hút những dịch vụ và thị trường tài chính gì; phải dựa vào những dịch vụ tài chính mà trong thời gian qua đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh chóng ở TPHCM để quyết định điều này.
Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, căn cứ vào tiềm năng và hiện trạng trong mô hình trung tâm tài chính, có thể thấy sự hội tụ rất lớn của các doanh nghiệp fintech. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các doanh nghiệp fintech với giai đoạn đầu phát triển tốc độ nhanh chứ chưa phải là cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính, bởi mới chỉ cung cấp những dịch vụ mang tính chất hỗ trợ cho hệ thống tài chính (lớn nhất thì cũng chỉ là các ví điện tử được kinh doanh dưới mô hình là trung gian thanh toán); một số tổ chức khác thì chỉ được phép hoạt động như một công ty cung cấp giải pháp và nền tảng công nghệ.
"Nếu như chúng ta đặt trong mô hình trung tâm tài chính TPHCM một cấu phần quan trọng, đó là fintech và ngân hàng số thì chúng ta sẽ tạo được đột phá trong chính sách, có một lộ trình để cấp phép, hình thành và đi vào hoạt động các ngân hàng số 100%", ông Thành nhấn mạnh.
Đồng tác giả Đề án cho biết thêm, cấu phần thứ 3 trong mô hình trung tâm tài chính, đó là thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh. Khác với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kể cả ngân hàng số hay thị trường vốn, đây là phần mà TPHCM hoàn toàn đang thiếu vắng. Đề án trước đây thiếu cấu phần này, vậy nên, đây là thời điểm để có quyết định đột phá, đó là hình thành chính thức một sở giao dịch phái sinh ở TPHCM, ông Thành khẳng định.
Cho ý kiến về mô hình trung tâm tài chính quốc tế, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh, cần tập trung vào cả mô hình truyền thống lẫn phi truyền thống; thị trường tiền tệ, các hoạt động liên quan đến thị trường vốn ngắn hạn.
"Chúng ta phải làm sao để tập trung chính sách thu hút các quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế tầm cỡ. Đặc biệt, trong lĩnh này, cần lưu ý đưa vào công nghệ số, fintech và các sản phẩm khác, kể cả đồng tiền số, ngân hàng số. Mảng này rất quan trọng, đó là mô hình hiện đại trong quá trình phát triển từ truyền thống đi lên", ông Trần Du Lịch cho hay.
Mục tiêu, trách nhiệm của Trung tâm tài chính quốc tế
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong Đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế, khi đánh giá tác động của Đề án đối với kinh tế và tài chính khu vực, mới chỉ có về mặt định hình chứ chưa có định lượng.
"Ngoài ra, cách tiếp cận của Đề án, theo tôi, phải đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM - vùng kinh tế trọng điểm của phía nam và cả nước. Như vậy, Trung tâm tài chính quốc tế đóng góp gì cho Thành phố? Tăng GDP của Thành phố như thế nào, tác động đến kinh tế Thành phố như thế nào? Và đổi lại, chính quyền Trung ương, ở đây là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT được cái gì?", ông Kiên nêu ý kiến.
Một vấn đề khác, theo ông Kiên, nếu chúng ta chia các giai đoạn để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là từ 2021-2025 và từ 2026-2030 thì trong từng giai đoạn, trách nhiệm của Thành phố là gì, Trung ương sẽ hỗ trợ những gì và Thành phố dự kiến huy động đầu tư nước ngoài và vốn của các thành phần kinh tế khác như thế nào?
Về vấn đề thể chế, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng có chung quan điểm với các chuyên gia khác, tức là ở đây, bản thân TPHCM đã là một trung tâm tài chính tự nhiên trong quá trình vận hành của nền kinh tế đất nước.
"Nhưng nếu đặt TPHCM vào trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo và Big data thì tư duy về việc phải xây một khu đô thị, nhà cửa, phố xá san sát để làm trung tâm tài chính là điều mà chúng ta phải cân nhắc lại. Phải có những lộ trình tận dụng những cái mà chúng ta đang có hiện nay, kết hợp với kinh tế số, trí tuệ nhân tạo để từ đấy hỗ trợ cho các fintech phát triển", ông Kiên khẳng định.
Anh Thơ