Dự thảo Thông tư đề xuất quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí toàn bộ hoặc một phần số lượng thuốc trong chu kỳ, liệu trình điều trị cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh do cơ sở kinh doanh dược thực hiện (chương trình hỗ trợ thuốc), bao gồm: Nguyên tắc thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc, hình thức hỗ trợ, hồ sơ thủ tục phê duyệt chương trình hỗ trợ thuốc, quy định về quản lý và sử dụng thuốc, chế độ phê duyệt, báo cáo và trách nhiệm của các bên.
Đối tượng áp dụng bao gồm: 1- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc; 2- Người bệnh có và không có thẻ bảo hiểm y tế; 3- Nhân viên y tế tham gia chương trình hỗ trợ thuốc; 4- Cơ sở kinh doanh dược thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc; 5- Các đơn vị có liên quan khác.
Dự thảo đề xuất 2 hình thức hỗ trợ thuốc gồm: Hỗ trợ thuốc miễn phí toàn bộ và hỗ trợ thuốc miễn phí một phần.
Hỗ trợ thuốc miễn phí toàn bộ áp dụng cho tất cả các mặt hàng thuốc. Cơ sở kinh doanh dược hỗ trợ miễn phí toàn bộ số lượng thuốc sử dụng trong quá trình điều trị thuộc phạm vi cam kết của chương trình cho người bệnh.
Hỗ trợ thuốc miễn phí một phần áp dụng cho thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu còn trong thời hạn bảo hộ độc quyền; hoặc thuốc chưa có thuốc generic (đối với thuốc hóa dược) hoặc chưa có sinh phẩm tương tự (đối với sinh phẩm) cùng hoạt chất và dạng bào chế tại Việt Nam. Hình thức: Cơ sở kinh doanh dược hỗ trợ miễn phí một phần số lượng thuốc trong tổng số thuốc mà người bệnh dự kiến phải sử dụng trong chu kỳ, liệu trình điều trị hoặc sau khi người bệnh đã hoàn tất một số chu kỳ, liệu trình điều trị nhất định.
Dự thảo nêu rõ, thuốc phải được chỉ định sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, được nhân viên y tế chỉ định sử dụng và cấp phát.
Khi chỉ định sử dụng thuốc trong chương trình hỗ trợ, cần ghi rõ thuốc được lĩnh từ nguồn thuốc hỗ trợ của cơ sở kinh doanh dược tại bệnh án hoặc đơn thuốc.
Thuốc được cấp phát trong chương trình hỗ trợ cần được bảo quản, lưu trữ tại khu vực riêng và có ký hiệu nhận biết là thuốc trong chương trình.
Trường hợp không sử dụng hết số thuốc đã được cấp phát, người bệnh hoặc gia đình người bệnh có trách nhiệm hoàn trả số thuốc chưa sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp bất khả kháng người bệnh hoặc gia đình người bệnh không hoàn trả được số thuốc chưa sử dụng, cơ sở khám chữa bệnh phải có biên bản xác nhận lý do không thu hồi được thuốc cần hoàn trả.
Việc tiêu hủy thuốc hết hạn, thuốc không bảo đảm chất lượng, thuốc bị hỏng, vỡ, thuốc do người bệnh hoặc người nhà người bệnh trả lại thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế. Đơn vị chịu trách nhiệm về việc tiêu hủy thuốc và kinh phí tiêu hủy thuốc thực hiện theo thỏa thuận được ký kết giữa cơ sở kinh doanh dược và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn