In bài viết

65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Chiều 14/12 tại Hoàng thành Thăng Long, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị - hội thảo "65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá".

14/12/2024 19:50
65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam- Ảnh 1.

Hội nghị - hội thảo "65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Ảnh: Hoàng Lân

Phát biểu tại Hội nghị-Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, bảo tồn di sản văn hóa là lĩnh vực hoạt động văn hóa khác biệt so với các lĩnh vực khác đã được hình thành và phát triển trước đó. Di sản văn hóa là sản phẩm và chứng nhân lịch sử, với giá trị trước tiên là một nguồn sử liệu đích thực và chính xác hơn những gì được ghi chép trên giấy. Vài chục năm gần đây, bên cạnh di sản văn hóa vật chất, còn hiện hữu một di sản thứ hai của dân tộc, đó là di sản văn hóa tinh thần, cũng cần được bảo lưu và trao truyền.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị toàn ngành tập trung tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế.

Đồng thời, tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh mềm, nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành...

Về hoạt động bảo vệ và phát huy di sản trong 65 năm qua, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho biết, hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có: 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 138 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia… Toàn quốc có 203 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm.

TS Lê Thị Thu Hiền thông tin, trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO, đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại. Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước.

Diệp Anh