In bài viết

ASEAN tiếp tục là ngọn hải đăng hòa bình giữa bối cảnh đầy biến động

(Chinhphu.vn) - Chiều 9/7, tiếp tục chương trình làm việc tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 với trọng tâm là kiểm điểm, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

09/07/2025 21:04
ASEAN tiếp tục là ngọn hải đăng hòa bình giữa bối cảnh đầy biến động- Ảnh 1.

Lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Uruguay và Algeria

Các bộ trưởng đã trao đổi sâu rộng về những chuyển động nhanh chóng, phức tạp phủ bóng lên môi trường địa chiến lược toàn cầu thời gian qua, từ cạnh tranh nước lớn, xung đột kéo dài ở nhiều nơi, chủ nghĩa đơn phương, luật pháp quốc tế bị xói mòn, đến các thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, tội phạm mạng, an ninh năng lượng. Các nước cũng bày tỏ lo ngại về bất ổn kinh tế gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, phân tách công nghệ và phân mảnh chuỗi cung ứng. 

Các bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, ASEAN cần giữ vững đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử chung, kiên trì cách tiếp cận cân bằng và hài hòa trong quan hệ đối ngoại, duy trì cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Hội nghị ghi nhận tiến triển tích cực trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và nhất trí các kế hoạch hành động giai đoạn mới giữa ASEAN với các đối tác cần gắn kết chặt chẽ với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các chiến lược hợp tác của ASEAN. 

Theo đó, các bộ trưởng đã thông qua Quyết định về tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, giao các cơ quan của ASEAN đánh giá tổng thể quan hệ với các đối tác, tối ưu hóa nguồn lực và các cơ chế hiện có, định hình quan hệ đối tác phù hợp với các ưu tiên chiến lược dài hạn của ASEAN trên cơ sở cùng có lợi, thích ứng hiệu quả với các thách thức hiện tại và tương lai, bảo đảm đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.

Thảo luận về tình hình quốc tế và khu vực, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước diễn biến phức tạp ở Myanmar, đặc biệt là tình trạng nhân đạo xấu đi sau trận động đất ngày 28/3. Các bộ trưởng tái khẳng định Đồng thuận 5 điểm tiếp tục là cơ sở định hướng cho các nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar, nhấn mạnh cần sớm chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan tại Myanmar, tiếp tục ưu tiên triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, gia hạn và mở rộng lệnh ngừng bắn trên toàn quốc. 

Hội nghị đánh giá cao vai trò của Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, đặc biệt là nỗ lực tham vấn với nhiều bên liên quan ở Myanmar cũng như trao đổi với các nước thành viên ASEAN và nhiều đối tác nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và bền vững. 

Các bộ trưởng nhất trí cần đánh giá toàn diện việc triển khai Đồng thuận 5 điểm và đệ trình khuyến nghị lên Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 10/2025, đồng thời giao các quan chức cao cấp ASEAN nghiên cứu chiến lược mới, bảo đảm tính liên tục đối với vai trò của Đặc phái viên về Myanmar.

Hội nghị cũng trao đổi về tình hình Biển Đông, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Những yếu tố làm nên thành công của ASEAN

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ quan điểm của các nước về những biến động nhanh chóng và bất ổn của tình hình quốc tế thời gian qua, khi hòa bình và an ninh đứng trước thách thức nghiêm trọng, xung đột, căng thẳng tiếp diễn và các hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, đặc biệt là nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và hạt nhân, diễn ra ngày càng đáng báo động.

Trước những biến động đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của ASEAN như "một ngọn hải đăng hòa bình", một hình mẫu tổ chức khu vực về đối thoại, hợp tác và giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định, chính tinh thần gắn bó trong gia đình, gắn kết trong cộng đồng và láng giềng gần gũi cùng nền tảng vững chắc của đối thoại, ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, đã làm nên thành công của ASEAN trong nhiều thập kỷ qua. Các thành quả này cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong tiến trình hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ASEAN cần tiếp tục củng cố năng lực tự cường và tự chủ chiến lược, đồng thời chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác, vừa góp phần duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực vừa tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung. ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm trong định hình và dẫn dắt các tiến trình khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hiện có, trong đó tận dụng vai trò của Ủy ban các Đại diện thường trực (CPR) tại Jakarta.

Đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Chủ tịch Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng đồng thuận và tiếng nói chung của ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế. 

Về Myanmar, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ quá trình phục hồi và tái thiết, đề xuất ASEAN nghiên cứu cách tiếp cận mới, xây dựng kế hoạch thực hiện Đồng thuận 5 điểm với mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng và các bước đi khả thi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Liên quan đến Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ quan ngại về những diễn biến thời gian qua; nhấn mạnh, ASEAN cần tiếp tục giữ vững lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, kiềm chế, hợp tác xây dựng lòng tin, và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

* Cũng trong chiều 9/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tham dự Lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Uruguay và Algeria, nâng tổng số thành viên tham gia Hiệp ước lên 57. 

Sau gần 50 năm kể từ khi được ký kết vào năm 1976, Hiệp ước TAC tiếp tục mở rộng số lượng thành viên qua các năm, khẳng định giá trị của Hiệp ước cũng như vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.

* Ngày 10/7 sẽ tiếp tục diễn ra các hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1 và ASEAN+3./.