In bài viết

Bắc Giang: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo sức bật cho sản phẩm OCOP

(Chinhphu.vn) - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang đã và đang khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tác động mạnh mẽ đến phát triển khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

25/09/2023 12:13
Bắc Giang: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo sức bật cho sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP Sâm Nam Núi Dành của tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn 4 sao - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang Dương Thanh Tùng, tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, gồm 8 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam bưởi, lúa chất lượng, rau, lạc, cá); 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng. Trong đó có 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, một số sản phẩm được bảo hộ nước ngoài như "Mỳ Chũ", "Mỳ Kế", "Vải thiều Lục Ngạn" được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; "Gà đồi Yên Thế" được bảo hộ tại Singapore, Trung Quốc, Lào; 60 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu...

Lũy kế kết thúc đánh giá phân hạng đợt 1 năm 2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 253 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 33 sản phẩm 4 sao, 220 sản phẩm 3 sao (trong đó có 29 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại và thực hiện nâng sao).

Về số lượng sản phẩm từng địa phương, tính đến tháng 8/2023, đã có 10/10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP được công nhận. Nhiều nhất là Lục Ngạn có 40 sản phẩm (10 sản phẩm 4 sao; 30 sản phẩm 3 sao); thấp nhất là huyện Sơn Động có 7 sản phẩm được công nhận (7 sản phẩm 3 sao).

Các sản phẩm OCOP được công nhận phần lớn là các sản phẩm mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai…

Dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 240 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; 1 sản phẩm thuộc nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (điểm du lịch sinh thái - văn hoá Bản Ven) được công nhận; 1 sản phẩm (vải thiều Hồng Xuân Lục Ngạn) tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng)... Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; có trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, để thúc đẩy chương trình OCOP phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái. Đồng thời xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiềm năng (sản phẩm OCOP) có thế mạnh của tỉnh và của từng địa phương.

Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng ở nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bắc Giang: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo sức bật cho sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Tỉnh Bắc Giang có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng và cũng là đặc sản của địa phương - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Bắc Giang cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, điển hình như: Vùng xuất vải thiều với quy mô 29.959 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam; vùng sản xuất cây ăn quả có múi (cam, bưởi) quy mô 8.900 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; vùng sản xuất na dai với quy mô 2.132 ha chủ yếu ở huyện Lục Nam; vùng sản xuất lúa chất lượng; vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến…

Các vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên cơ bản đã được cấp mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu, sản xuất theo quy trình VietGAP, GloballGAP, hữu cơ, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và hợp tác xã; doanh thu trung bình từ 200-320 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 1,2-2 lần so với sản xuất thông thường.

Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được trên 900 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Trong đó có 217 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng với quy mô khoảng 450.000 m2 tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà, Tân Yên, Lục Nam và thành phố Bắc Giang, cho doanh thu cao gấp 6-9 lần so với sản xuất thông thường. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng công nghệ cao bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 500-800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-5 lần so với sản xuất thông thường. Trong đó, điển hình có những mô hình sản xuất hoa cao cấp, cây cảnh và dưa lưới doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm.

Sở NN&PTNT cũng đã tích cực hỗ trợ các hộ sản xuất xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản chất lượng, có giá trị thông qua việc đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số; hướng dẫn người dân tiếp cận các kênh thương mại điện tử. Nhờ đó nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản. 

Thiện Tâm