• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đầu tư công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP

(Chinhphu.vn) - Phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất không chỉ đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng, giúp sản phẩm có được nét đặc sắc riêng.

27/06/2023 10:10
Đầu tư công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Cánh đồng rau má - vùng nguyên liệu làm nên các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao của Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigaherbs - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Từ niềm đam mê dược liệu, kỹ sư nông nghiệp Trần Văn Nguyện, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigaherbs đã xây dựng và phát triển vùng trồng tía tô, rau má thành những "tinh hoa thảo dược", nguồn "vàng xanh" cho nông nghiệp Thủ đô.

Chia sẻ với báo chí, anh Trần Văn Nguyện cho biết, nhận thấy tía tô, rau má là loại thực vật vừa có thể làm rau vừa làm thuốc, tại Nhật Bản bán và tiêu thụ rất nhiều các sản phẩm có thành phần tía tô, rau má nhưng với giá thành rất cao. Anh mong muốn phát triển sản xuất theo quy trình như nước bạn và đáp ứng nhu cầu cho người dân trong nước với giá thành hợp lý, với chất lượng bảo đảm hàng đầu và tiện lợi.

Vì vậy sau một thời gian học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, vào năm 2020, anh cùng với một số cộng sự xây dựng mô hình trồng tía tô, rau má tại thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội với quy mô khoảng 2 ha.

 Để làm nông nghiệp "sạch", anh Nguyện cùng cộng sự luôn cẩn trọng, tỉ mỉ từ việc khảo sát nguồn đất, nước, theo dõi thời tiết, khí hậu đến việc thuê máy móc đào hệ thống mương giữ nước, lên luống cao để tiêu thoát nước dễ dàng; lắp đặt hệ thống tưới nước xoay tự động... Gigaherb liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Lam Điền cùng các hộ xã viên ở thôn Lương Xá để thuê diện tích trồng cây nguyên liệu, thuê nhân công lao động làm các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế. Năm 2021 lứa rau má, tía tô đầu tiên đã được sản xuất thành công.

Nhờ đầu tư trang thiết bị, máy móc, công ty hoàn thiện các bước sơ chế, bảo quản, chế biến nguyên liệu thành các sản phẩm. Ngoài việc sản xuất tinh bột rau má, tía tô, trà túi lọc rau má tía tô, anh Nguyện còn kết hợp với một số nguyên liệu khác như: Cà gai leo, cây mâm xôi, đông trùng hạ thảo, diếp cá… để sản xuất ra và đưa ra thị trường gần 20 sản phẩm đồ uống, thực phẩm chăm sóc sức khỏe. Không chỉ mang lại nguồn sản phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe, công ty còn tạo công ăn việc làm và góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Đầu tư công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Sản phẩm từ rau má, tía tô được thị trường đón nhận - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Với thông điệp gửi gắm "Giga vận chuyển tinh hoa thảo dược", anh Nguyện luôn cố gắng để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, giữ được nguồn dinh dưỡng và tác dụng quý của thảo dược. Vì vậy, trong quá trình chế biến, quan trọng nhất là việc điều chỉnh nhiệt độ sấy sao cho phù hợp với đặc tính của từng loại rau, lá để giữ được độ xanh cũng như không làm mất đi giá trị dinh dưỡng trong từng sản phẩm.

Công ty cũng đã ký cam kết với các hộ nông dân về quy trình trồng nguyên liệu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Các sản phẩm của Gigahebs còn được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp giấy chứng nhận chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Với những nỗ lực, tâm huyết và phấn đấu không ngừng, năm 2022 Công ty đã có 4 sản phẩm được đánh giá, chứng nhận OCOP 4 sao là: Trà bổ phế, trà rau má cà gai leo, trà rau má tía tô, bột rau má đậu xanh collagen. Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm đã được thị trường đón nhận và tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được thương hiệu. Năm 2023, Công ty tiếp tục đăng ký từ 3 đến 5 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Trong thời gian tới, theo anh Nguyện, công ty sẽ tiếp tục kết hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng thảo dược để cho ra đời nhiều sản phẩm nguyên liệu từ thiên thiên.

Cùng nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, mô hình nuôi gà đẻ trứng thảo dược (sử dụng thảo dược trong phối trộn thức ăn cho gà) của HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiên Cà (xã Lam Điền) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đầu tư công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Trứng gà thảo dược của HTX Công nghệ cao Kiên Cà được thị trường rất ưa chuộng - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Anh Phan Trung Kiên, lãnh đạo HTX cho biết, HTX Công nghệ cao Kiên Cà được thành lập vào tháng 6/2021, với quy mô chuồng trại 1.000 m2, 10 nghìn con gà trắng Ai Cập tại khu vực chăn nuôi xa khu dân cư của xã Lam Điền. Trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 300 nghìn quả trứng.

Qua thực tế sản xuất và phát triển, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt là người tiêu dùng được thưởng thức những sản phẩm chất lượng, bổ dưỡng và thơm ngon.

Anh Kiên chia sẻ, gà trắng Ai Cập đẻ trứng đã tạo ra những quả trứng được mang thương hiệu "Trứng gà cà gai leo", với ưu điểm vượt trội "3 không": Không cám công nghiệp, không sử dụng kháng sinh, không dùng chất kích thích. Đặc biệt, trang trại luôn mát mẻ, sạch sẽ, được lắp đặt hệ thống điều hòa, để giữ nhiệt độ nằm trong ngưỡng 25 – 32℃, giúp gà phát triển, sinh trưởng tốt nhất. Về khẩu phần ăn uống, gà được ăn toàn bộ thực phẩm sạch, thảo dược chọn lọc như ngô tẻ đỏ Sơn La, cám gạo tươi miền Bắc, đậu tương rang, tỏi tươi, đinh lăng, khôi đốm, hoàn ngọc, quế, diếp cá, trà xanh, mật nhân, đương quy, nghệ, đặc biệt là cà gai leo- loại thảo dược rất tốt để tăng cường chức năng gan... Gà Ai Cập còn được uống nước lọc RO, khử bằng tia UV. Giờ giấc ăn ngủ, nghỉ của đàn gà sẽ được thực hiện theo thời gian biểu lập sẵn rất khoa học, nhất là đàn gà còn được nghe nhạc để thư giãn hằng ngày để giảm stress, giúp việc ăn uống, tiêu hóa được tốt hơn.

Hiện nay, các sản phẩm trứng gà cà gai leo của anh Phan Trung Kiên đã được kiểm tra và đạt chứng nhận là thực phẩm sạch, an toàn, được tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị và bán trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng.

Trong trứng gà cà gai leo, tỉ lệ cholesterol là 125,5 mg/100g, chỉ bằng 1/3 so với trứng gà thông thường; đồng thời còn chứa nhiều vitamin A, E, B2 hoặc kẽm, sắt, rất tốt cho sức khỏe con người. Về giá trị kinh tế, một quả trứng cà gai leo được bán trên thị trường với giá lẻ là 8.400 đồng/quả, cao gấp 4 lần so với trứng thường nhưng giá thành luôn đi kèm với chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Với tư duy thức thời cùng việc áp dụng công nghệ chăn nuôi trồng, sản xuất hiện đại, năm 2021 sản phẩm trứng gà thảo dược của Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Kiên Cà đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Qua đó đã giúp HTX khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội xác định OCOP là chương trình có ý nghĩa phát triển sản phẩm tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Vì vậy, để đẩy mạnh chương trình OCOP phát triển, Hà Nội sẽ tập trung tăng cường xúc tiến thương mại; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững… Đồng thời phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP Thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

* Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.

Thiện Tâm