Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, sau một số địa phương ở khu vực Nam Bộ, huyện Yên Thế của tỉnh Bắc Giang là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được trao Giấy chứng nhận Vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle trên gia cầm.
Đây là tiền đề quan trọng cho hoạt động chăn nuôi gia cầm ở miền Bắc, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần cung ứng sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Huyện Yên Thế hiện có gần 4 nghìn hộ chăn nuôi, ước tính mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 10 triệu đến 12 triệu con gia cầm, với sản lượng trứng đạt khoảng 10 triệu quả, giá trị sản xuất đạt khoảng 1 nghìn 500 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, gà đồi được xác định là vật nuôi chủ lực của huyện và cũng là vật nuôi đầu tiên trên cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Gà đồi Yên Thế" từ năm 2011.
Từ nhiều năm qua huyện Yên Thế đã hình thành được các vùng sản xuất chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn, đến nay, nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 quốc gia gồm: Trung Quốc, Lào và Singapore.
Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: "Thời gian tới, chúng ta nên sớm đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế xuất khẩu sang các nước, trước mắt là những nước trong khu vực.
Để làm được điều này, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm kiểm soát tốt các loại dịch bệnh để duy trì vùng an toàn dịch bệnh, đồng thời là mở rộng sang các huyện khác trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để xây dựng các chuỗi sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị của sản phẩm".
Ông Chu Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến – một trong 19 sơ sở, xã, thị trấn của huyện Yên Thế nhận giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle chia sẻ: "Việc chứng nhận an toàn dịch bệnh đem lại nhiều cơ hội để các thành viên hợp tác xã mở rộng đầu tư và cung ứng thêm các sản phẩm an toàn ra thị trường. Đây cũng là cơ sở để xã thúc đẩy chăn nuôi, tạo đầu ra thuận lợi về giá cả và thu nhập ổn định cho người chăn nuôi".
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa hướng đến mục tiêu vào năm 2030 Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bắc Giang đã và đang quản lý chặt chẽ các vùng trồng, chăn nuôi tập trung và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Nhiều sản phẩm của Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu, vị thế và đang tiến dần đến sản phẩm thương hiệu quốc gia như: Vải thiều, gà đồi Yên Thế, chè xanh Bản Ven Yên Thế, mỳ gạo Chũ... và nhiều nông sản chủ lực, đặc trưng khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: "Hiện nay tỉnh Bắc Giang tập trung cao cho công tác sản xuất, chăn nuôi, chuẩn bị cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn thực phẩm; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt trong dịp Tết tới đây".
Đỗ Hương