Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ vải thiều năm nay chất lượng cao đồng đều do thời tiết thuận lợi và tỉnh đã có kinh nghiệm về kiểm soát các mã vùng trồng.
Cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ 70-90%. Sản lượng thu hoạch vải thiều tại Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 180.000 tấn. Trong đó sản lượng vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP khoảng 112.900 tấn (chiếm 62,7% tổng sản lượng vải).
Toàn tỉnh hiện có 18 mã vùng trồng với diện tích 218 ha vải thiều, sản xuất, cung cấp cho thị trường Mỹ, EU, Australia. Thị trường Nhật Bản có 30 mã số vùng trồng, diện tích hơn 269 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn.
Minh chứng rõ nét cho thấy vải thiều chất lượng cao tại Bắc Giang vụ này chính là việc nhiều doanh nghiệp đã đăng ký thu mua với tỉnh.
Bên cạnh các thương nhân trong nước và các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Singapore... , Bắc Giang còn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Việc tiêu thụ trong nước cũng đã bài bản hơn với nhiều kênh bán lẻ lớn đã "xắn tay" vào thu mua theo hệ thống như: Megamart, GO!, Coopmart, các chợ đầu mối hoa quả ở TP. Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, các thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong cả nước.
Cùng với đó, việc đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế cũng được tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh. Các hình thức trực tuyến như tiêu thụ vải trên mạng xã hội, các Fanpage, Face book, Zalo… cũng được Bắc Giang thực hiện đồng bộ.
Tại Hội nghị, Bắc Giang mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh triển khai thực hiện công tác sản xuất, chế biến nông sản, vải thiều đáp ứng yêu cầu theo quy định của các nước.
Bên cạnh đó, ông Phan Thế Tuấn cũng đề xuất việc phối hợp hướng dẫn tỉnh thực hiện quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tỉnh cần thông tin về hàng rào kỹ thuật và các điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải thiều vào các thị trường nước ngoài.
Về đề xuất với Bộ Công Thương, ông Tuấn nhấn mạnh việc tỉnh cần hỗ trợ giới thiệu và kết nối các các doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu vải thiều trong và ngoài nước đến tỉnh. "Hiện có rất nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu, hợp tác, tiêu thụ vải tươi và các sản phẩm chế biến từ vải thiều. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước", ông Phan Thế Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đang và sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang duy trì kết nối, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ vải thiều. Việc kết nối và giới thiệu sẽ được làm đồng bộ ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết bộ cũng sẽ hỗ trợ cập nhật thông tin về chính sách xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của những thị trường nhập khẩu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng những chính sách, khuyến khích các mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Chỉ có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia từ sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu… khi hình thành được chuỗi giá trị này.
Đỗ Hương