Ngăn chặn, đẩy lùi bệnh "sợ trách nhiệm" và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Nhận thấy được tính chất nghiêm trọng và mức độ nguy hại của căn bệnh sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm xử lý mạnh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn căn bệnh nguy hiểm này, như Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cùng với đó là các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, tăng cường công tác quản lý cán bộ và kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên.
Đơn cử, cách đây ba tháng, ngày 11/7, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Mới đây, ngày 27/10, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Ngày 10/5/2023, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tập trung rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thực hiện chủ trương của Đảng và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Gần đây nhất, Thủ tướng tiếp tục ban hành Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Trong đó yêu cầu rõ, phải kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý công việc, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức.
Đáng chú ý, ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điều cốt lõi trong Nghị định là chỉ rõ nguồn cơn và biện pháp khắc phục căn bệnh "ngồi im, thụ động" trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà, Nghị định 73 đã cởi nút thắt cho sự năng động sáng tạo, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì sự nghiệp chung. Nghị định này chính là bước cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, trở thành cơ chế, chính sách của Nhà nước.
"Khi một chủ trương của Đảng được ban hành, các tổ chức của Đảng và tất cả đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu các tổ chức Đảng và một đảng viên nào đó không chấp hành, tức là đã vi phạm quy định của Điều lệ Đảng và phải xử lý.
Còn khi một chủ trương được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định quy định của Chính phủ, tức là của Nhà nước thì không phải chỉ có các tổ chức Đảng, tất cả đảng viên mà tất cả mọi công dân Việt Nam đều phải chấp hành", đồng chí Nguyễn Đức Hà nhận định.
Việc cụ thể hóa những chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước là rất quan trọng. Nghị định 73 đã làm rõ nhiều vấn đề, tạo hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.
Nghị định này của Chính phủ đã đưa ra 5 nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Trong đó, Nghị định khẳng định: Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định nếu có liên quan đến sai phạm.
Theo đó, Nghị định đưa ra các biện pháp bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo trong các trường hợp cụ thể. Đó là: Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung sẽ được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định của Nghị định từ nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ; điều kiện áp dụng chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ; những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ; trình tự, thủ tục đề xuất đổi mới sáng tạo, trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ và đặc biệt, quy định về đánh giá kết quả thực hiện đề xuất… đã thể hiện rõ nét, xuyên suốt và nhất quán cơ chế bảo vệ đối với cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Đồng thời, Nghị định giao cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với các trường hợp này.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, đây có thể nói là những quy định góp phần khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định "cơ chế đặc biệt" trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Một trong những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm là "xử lý trách nhiệm đối với cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện đề xuất đã được đánh giá là hoàn thành".
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong quá trình nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định 73, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là quan điểm, chủ trương về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay (Kết luận số 14-KL/TW) nhằm tạo hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, đồng thời góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi...
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về đánh giá, xếp loại và kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, về quản lý người giữ chức danh, người đại diện phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp… để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các nghị định này sẽ tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa-xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, việc ban hành Nghị định này sẽ góp phần hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; quản lý cán bộ, công chức, tạo cơ sở phát huy sức mạnh ẩn tàng trong đội ngũ cán bộ giàu năng lực, có phẩm chất lâu nay chưa được kích hoạt.
Đồng thời, cũng sẽ tạo ra sự đồng bộ về pháp luật cho việc đánh giá, cất nhắc, đề bạt cán bộ đúng đắn, chất lượng hơn. Đặc biệt, sẽ góp phần tạo ra chính sách, pháp luật giúp các cấp, các ngành phát hiện, thu hút, trọng dụng, bảo vệ và bảo đảm cho việc sử dụng hiền tài, xây dựng hệ thống "nguyên khí" quốc gia.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chia sẻ: Trước đây có những cán bộ dám nghĩ, dám làm đã bị làm khó, thậm chí bị xử lý kỷ luật, nhưng sau đó người đứng đầu nhận ra rằng cán bộ dưới quyền làm việc vì mục tiêu chung, nên kiên quyết bảo vệ.
Giờ đây, Nghị định 73 đã quy định, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, nhờ những chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, các tỉnh, thành phố, địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong cả nước đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết công việc. Bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đã có những kết quả mới trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu có sai phạm ở một số ngành, địa phương như có những lãnh đạo cấp cao đã được Đảng, Nhà nước xem xét cho miễn nhiệm. Mặt khác, nhiều cán bộ đã dần thoát khỏi tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm... khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhận định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được Chính phủ quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, trong đó, ngoài việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cũ, nhiều văn bản quy phạm pháp luật lần đầu tiên được ban hành, như Nghị định 73/2023/NĐ-CP.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, nhờ có Nghị định 73, cũng như chủ trương của Trung ương, nhiều địa phương đã mạnh dạn, sáng tạo ban hành cơ chế, chính sách phục vụ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Để Nghị định này đi vào cuộc sống, đồng chí Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh phải nghiên cứu, học tập, quán triệt rất sâu sắc, nắm cho chắc, thực hiện quyết liệt; nếu thực hiện được chủ trương này thì có thể tạo nên một động lực mới, khơi dậy được khát vọng rất to lớn của cả đội ngũ cán bộ.
Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, khi đã có nghị định, quy định, những cán bộ mà thoái thác trách nhiệm, những cán bộ nào đùn đẩy trách nhiệm… phải xử lý nghiêm minh, phải thay đổi cán bộ, bố trí cán bộ một cách kịp thời để khắc phục sự trì trệ trong công tác cán bộ. "Như vậy cũng là thực hiện đúng quan điểm của Đảng, có lên có xuống, có vào có ra trong công tác cán bộ là điều bình thường và lúc đó trở thành văn hóa trong Đảng", đồng chí Nguyễn Đức Hà khẳng định. Cái gốc của vấn đề, đó là công tác cán bộ.
Đồng chí cũng cho rằng: "Khi chưa có Nghị định của Chính phủ thì việc triển khai thực hiện còn ở mức độ nhất định, nhưng khi Chính phủ đã có Nghị định quy định rõ về vấn đề này, tôi tin rằng việc sợ sai, không dám quyết, không dám làm, thậm chí đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang cho người khác hoặc đơn vị khác… từng bước sẽ khắc phục được".
Như vậy, sau Đại hội XIII, Đảng, Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, chỉ đạo, quy định đồng bộ, toàn diện để vừa xử lý nghiêm các sai phạm, ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh "sợ sai, sợ trách nhiệm", vừa khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Chúng ta có quyền hy vọng về những thắng lợi của những chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời, nhân văn này của Đảng và Nhà nước ta. Và đặc biệt sắp tới đây, việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp chính là điều kiện và cơ hội rất tốt để rà soát, sàng lọc đội ngũ cán bộ, lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để để đảm đương công việc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Phương Liên