Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngăn chặn, đẩy lùi bệnh "sợ trách nhiệm" và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Tại diễn đàn của Quốc hội, trong Kỳ họp thứ 5 vừa qua và Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, nhiều đại biểu đã nêu vấn đề ra trước nghị trường để phân tích, mổ xẻ với quan điểm nếu căn bệnh này không được chấn chỉnh, điều trị kịp thời, nó sẽ là lực cản phát triển của đất nước.
Theo các đại biểu, thái độ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn phải đứng trước tòa" trở thành "phương châm" hành động của không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ở nhiều nơi, tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết, đùn đẩy trách nhiệm thuộc về phần mình qua lại giữa các bộ phận khiến nhiều công việc bị đình trệ, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Không ít dự án, công trình đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được duyệt, cấp phép và triển khai. Trong lĩnh vực đầu tư công, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, tốc độ giải ngân tại một số địa phương, bộ, ngành còn thấp…
Không dừng lại ở đó, tình trạng "ba không" gồm không nói, không tham mưu và không làm nếu ở mức độ nghiêm trọng và là sự cố ý còn gây ra những hậu quả, tác hại lớn.
"Không trình, không làm" chính là một trong số nhiều thủ đoạn mà một số cán bọ thoái hóa, biến chất áp dụng trong xử lý công viêc, ở một góc nhìn khác là hình thức "vòi vĩnh" tiền bôi trơn của người dân, doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022, quy chế làm việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Tuy nhiên, như Công điện gần đây của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định: "Tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm" thực sự để lại những hậu quả xấu, tác động lớn tới mỗi đơn vị, mỗi tập thể, mỗi tổ chức và tới cả nước".
Lấy ví dụ thêm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín nhắc tới những trường hợp không dám đấu thầu, đấu giá để xảy ra khan hiếm thuốc và vật tư y tế đã làm cho nhiều bệnh viện bị ảnh hưởng, nhiều bệnh nhân mất cơ hội chữa trị. "Cũng vì sợ trách nhiệm mà 22.000 hộp sữa viện trợ từ Australia cho trẻ em nghèo, khó khăn trong đại dịch chậm đến được với người cần nhận", ông Tín dẫn chứng.
Căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm của người lãnh đạo, của người đứng đầu ở mỗi tổ chức còn gây trở ngại cho công tác và cho mọi hoạt động của tổ chức, làm cán bộ, đảng viên trong tổ chức đó mất niềm tin, mất động lực phấn đấu, mất cảm hứng sáng tạo, dẫn đến tư tưởng cầm chừng, không muốn làm, không dám làm.
PGS.TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định rằng cuộc chiến với căn bệnh "sợ trách nhiệm, không dám làm", về chủ trương đã có, những bước thực hiện cũng đã dần triển khai, việc còn lại nằm ở yếu tố con người. Trong đó, tinh thần học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn ở mỗi cán bộ, đảng viên là vô cùng quan trọng.
Theo ông Chiến, vấn đề cơ bản ở đây vẫn là việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công việc và đánh giá sử dụng cán bộ. Bên cạnh việc loại bỏ những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không làm được việc, đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm thì cần phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên phát huy năng động, sáng tạo; khắc phục tư tưởng chưa làm đã sợ sai, sợ trách nhiệm.
Muốn vậy, cơ chế, chính sách phải đủ mạnh, hiệu lực và hiệu quả, có tính khả thi cao. Phải bảo đảm sự đầy đủ, đồng bộ, không bị chồng chéo và phải kịp thời. Bên cạnh đó, phải tường minh, rõ ràng, cụ thể, dễ vận dụng trong thực tiễn. Cuối cùng, phải rất quyết liệt, có niềm tin, có quyết tâm cao.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Quốc Tuấn lại cho rằng, cần phân hóa, phân định một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm là những ai, nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của những cán bộ này để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, ông Tuấn cho rằng, có thể khắc phục được ngay, ưu tiên thay thế bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm.
Riêng nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật đồng nhất sẽ bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Còn nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà nhận định, phải sử dụng đồng bộ rất nhiều giải pháp để tất cả cán bộ tùy theo chức trách, nhiệm vụ phải thấy rõ được trách nhiệm của mình.
"Muốn làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình phải hiểu được, nắm được, phải "đúng vai, thuộc bài" như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói. Đúng vai là làm đúng việc của mình chứ không "chèo" sang việc của người khác. Thuộc bài là phải nắm được chính sách, pháp luật, nắm được quan điểm, chủ trương, đường lối, phải nắm được kiến thức, phải có kinh nghiệm", ông Nguyễn Đức Hà phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Hà, chúng ta phải rất chú trọng đến công tác cán bộ. "Đừng đưa thợ nề sang làm thợ mộc, đừng đưa thợ mộc đi làm thợ sơn. Tóm lại, lựa chọn cho đúng người mà lại phải bố trí đúng việc để khai thác, phát huy tất cả phẩm chất, năng lực, sở trường của mỗi người".
Đề cập đến những giải pháp then chốt để chấm dứt căn bệnh "sợ trách nhiệm", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trước hết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức. Trong từng cơ quan, đơn vị phải hết sức chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ, chấn chỉnh ngay một cách quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức.
Cùng với đó, phải thay đổi và xóa bỏ nhận thức của một số cán bộ, công chức là "không làm thì không sai". Theo Bộ trưởng, "đây chính là dấu hiệu của một loại tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng sự phát triển". Vì vậy, cần khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai được người đứng đầu ngành Nội vụ nêu lên là cần đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là lĩnh vực kinh tế-xã hội còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền ở các cơ quan, tổ chức, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba, đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đổi mới công vụ, công chức, kịp thời biểu dương cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm cán bộ, công chức không làm tròn trách nhiệm của mình, sợ sai trong thực thi công vụ.
Cùng với đó, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu giải pháp về xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ. "Ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt, thì ở đó thành công, kỷ cương, kỷ luật công vụ rất tốt".
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức và trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ; phát huy cao độ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, của Nhân dân.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm, sai phạm có tính chất, mức độ, động cơ nếu không có vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa, nhằm tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nhật Nam
(Còn tiếp)