Mặc dù quy định (pháp luật và nội quy, quy chế) đã đầy đủ và tương đối toàn diện, nhưng thời gian gần đây những vụ bạo lực học đường ở một số nơi đã bộc bộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng bạo lực học đường hiện nay?
Ông Đinh Công Sỹ: Bạo lực học đường là một trong những vấn đề được cử tri, nhân dân, dư luận xã hội rất quan tâm. Thời gian qua đã có nhiều vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, hậu quả thương tâm gây bức xúc cho xã hội. Hiện nay, chưa có thống kê chính thức, toàn diện về thực trạng bạo lực học đường trên phạm vi cả nước để có thể phân tích, đánh giá mức độ báo động của bạo lực học đường.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, có thể thấy mật độ các vụ việc nhiều hơn, tính chất bạo lực học đường ngày càng nguy hiểm và phức tạp. Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những hành vi có tính đơn lẻ mà là hành động có tổ chức, ban đầu là hành động kỳ thị, tẩy chay, cô lập nạn nhân, rồi đến đánh đập, uy hiếp nạn nhân...
Hậu quả của bạo lực học đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần như lo lắng, rối loạn lo âu, trầm cảm cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, thậm chí là tính mạng của nạn nhân và của chính các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. Điều này tác động rất tiêu cực đến môi trường giáo dục. Phạm vi các vụ việc xảy ra nhiều các cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông, ở cả ở đô thị và nông thôn.
Theo tôi, không chỉ nhìn vào số vụ việc mà có thể đánh giá mức độ báo động của bạo lực học đường mà cần phải xét cả khía cạnh tính chất và hậu quả của vụ việc. Rõ ràng với những vụ việc đã xảy ra, cho thấy cách ứng phó, giải quyết của các bên liên quan còn lúng túng, bị động; sự vào cuộc của nhà trường, gia đình, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội chưa kịp thời, gây những bức xúc trong dư luận xã hội.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có luật phòng, chống bạo lực học đường nhưng trong các văn bản pháp luật đã có những quy định liên quan đến vấn đề này, ví dụ trong Hiến pháp 2013, trong Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, rồi Luật Trẻ em 2016. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực học đường đang ngày càng phổ biến trong các nhà trường. Vậy về phía cơ quan chức năng, theo ông nguyên nhân chính nằm ở đâu? Về khía cạnh pháp lý, ông có kiến nghị, đề xuất gì không, thưa ông?
Ông Đinh Công Sỹ: Có thể khẳng định, nguyên nhân gia tăng của bạo lực học đường có nhiều. Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, có thể điểm ra một vài nguyên nhân, hạn chế.
Thứ nhất, đó là sự hạn chế trong quản lý các nền tảng mạng xã hội. Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều nội dung tiêu cực, kích động bạo lực được truyền tải nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời, dẫn đến việc hình thành những nhận thức sai lệch, trong đó có các hành vi bạo lực.
Thứ hai là hoạt động của các thiết chế văn hóa, hướng học sinh, thanh thiếu niên đến lối sống lành mạnh, tích cực còn thiếu cả về số lượng và quy mô; nội dung hoạt động còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với "thị hiếu", chưa đủ thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia.
Thứ ba, môi trường học tập có nơi chưa thực sự thân thiện. Một số trường học chưa quan tâm xây dựng văn hóa học đường, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến nhận thức. Chính những hành vi lệch chuẩn trong trường học đã khiến nảy sinh tình trạng bạo lực học đường.
Thứ tư, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể chưa thực sự hiệu quả trong việc nhận diện bạo lực học đường. Bên cạnh đó là thiếu sự chia sẻ thông tin, thông tin không đầy đủ, chưa thống nhất cách thức xử lý một cách kịp thời các vụ việc bạo lực trong nhà trường.
Thứ năm, hoạt động của thiết chế tư vấn tâm lý học sinh trong các cơ sở giáo dục, hoạt động của các đường dây nóng, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực học đường chưa thật sự thuận tiện để đáp ứng được nhu cầu xử lý tình huống, tư vấn cho học sinh.
Thứ sáu, sự quan tâm chưa thoả đáng của các cấp chính quyền, địa phương trong việc bảo đảm về nguồn nhân lực, nhất là lực lượng tư vấn tâm lý học sinh được đào tạo bài bản; cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống bạo lực còn hạn chế.
Mặc dù chúng ta chưa có luật phòng, chống bạo lực học đường, nhưng tôi thấy về cơ bản, hệ thống pháp luật đã quy định khá đầy đủ và nằm rải rác ở nhiều luật, nghị định, thông tư, các đề án... về công tác này.
Tuy nhiên, theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong một số lĩnh vực. Cụ thể như về pháp luật tố tụng, cần hoàn thiện các quy định về toà án vị thành niên, quy định về thủ tục, quy trình tố tụng đối với học sinh gây ra hành vi bạo lực; thiết lập quy trình nhận diện, đánh giá, chia sẻ thông tin và cá thể hoá trách nhiệm của các bên trong tiếp nhận, xử lý vụ việc bạo lực học đường; đồng thời hoàn thiện các quy định về thành lập phòng tư vấn tâm lý với biên chế chuyên trách được đào tạo có chuyên môn sâu về tâm lý, có năng lực thực tiễn.
Bên cạnh đó, tại các nhà trường, cần bổ sung khối lượng kiến thức, đào tạo kỹ năng cho sinh viên sư phạm, bồi dưỡng định kỳ cho đội ngũ giáo viên các chuyên đề về phòng ngừa, cách thức xử lý bạo lực học đường.
Theo ông, xây dựng một nhà trường văn hóa, bao quát hơn là môi trường văn hóa, thì những người làm giáo dục cần nhận thức điều gì trong việc phòng, chống bạo lực học đường?
Ông Đinh Công Sỹ: Chúng ta đều biết mục tiêu của xây dựng văn hóa học đường là tạo dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện và lành mạnh. Xây dựng văn hóa học đường cần phải được xem là biện pháp quan trọng, hữu hiệu trong xóa bỏ bạo lực học đường.
Thực tế, thời gian qua, một số cơ sở giáo dục vẫn chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, kiến thức pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh. Theo tôi, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn và hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân của các vụ việc bạo lực.
Hơn ai hết, thầy giáo, cô giáo những người trực tiếp hằng ngày giảng dạy, gặp gỡ, giao tiếp với học sinh cần phải được trang bị, cập nhật thường xuyên kiến thức về tâm, sinh lý lứa tuổi, kỹ năng tư vấn, xử lý các vụ việc bạo lực, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, chia sẻ thông tin với gia đình, với các cơ quan chức năng... Mỗi giáo viên cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc xuyên suốt các hoạt động giáo dục tại nhà trường, phải gắn chặt dạy chữ với dạy làm người, dạy kỹ năng sống cho học sinh và thực sự vừa là thầy, vừa là "bạn" của học sinh. Ý tôi muốn nói ở đây, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho học sinh mà cũng cần phải được trang bị kỹ năng về tâm lý.
Theo ông, để hạn chế và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, cần giải pháp đồng bộ gì?
Ông Đinh Công Sỹ: Theo tôi, để có thể hạn chế, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống bạo lực học đường như đã đề cập ở trên; cần xây dựng quy tắc ứng xử của nhà giáo, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục cần phải coi xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, ngăn ngừa bạo lực; trong đó đặc biệt quan tâm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống cho học sinh.
Cụ thể, ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học nhà trường cần phải trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi… giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.
Thứ hai, mỗi nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, thực hiện các chuẩn mực về ứng xử trong, ngoài nhà trường. Mỗi nhà trường phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.
Về phía các cơ quan chức năng thì sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng; tăng cường năng lực ứng phó của các cơ quan chức năng trong việc kịp thời gỡ bỏ các thông tin xấu, thông tin độc hại trên mạng xã hội có thể gây ra các hành vi bạo lực học đường.
Thứ ba, ngành giáo dục cần đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Phát huy có hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn, đội trong và ngoài nhà trường nhằm thu hút sự chủ động tham gia của học sinh.
Thứ tư, cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, nhất là cơ chế chia sẻ thông tin đúng, thông tin kịp thời khi có dấu hiệu của vụ việc bạo lực học đường. Cá thể hóa trách nhiệm của các bên trong quá trình tiếp nhận, giải quyết vụ việc.
Thứ năm, tăng cường đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất thiết bị cho nhà trường trong các hoạt động tư vấn tâm lý học đường; quan tâm đến đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý học đường bảo đảm về trình độ, có kỹ năng tốt; đồng thời định kỳ bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn kiến thức về tâm lý lứa tuổi, kỹ năng nhận diện và phối hợp xử lý các vụ bạo lực học đường.
Trân trọng cảm ơn ông./.
Giang Oanh (thực hiện)