Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vì sao bạo lực học đường gia tăng?
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS. Lê Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng hiện tượng bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục cả trong và ngoài nhà trường, gây nhức nhối cho ngành giáo dục. Các hành vi bao gồm bạo lực về thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực công nghệ…
Theo TS. Lê Thị Thanh Thủy, chúng ta hay bắt gặp vấn đề bạo lực học đường ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT bởi đây là giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, tâm lý của các em chưa ổn định, tính khí thay đổi thất thường, nhiều em rất muốn thể hiện, khẳng định bản thân nhưng lại khẳng định bằng cách tiêu cực. Đó là một nguyên nhân về tâm sinh lý dẫn đến vấn đề bạo lực học đường gia tăng.
"Điều đáng lo ngại là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ngày càng đa dạng và xảy ra rất dễ dàng, ví dụ như va chạm trong lúc chơi đùa, bình luận trên mạng xã hội, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn…", TS. Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ.
TS. Lê Thị Thanh Thủy cho rằng đối với nạn nhân của bạo lực học đường, khi bị đối xử kiểu bắt nạt, bạo lực thì các em rất dễ rơi vào trầm cảm, nhận định rất thấp về giá trị của bản thân mình. Điều này khiến học sinh dễ có những hành vi tiêu cực, thậm chí là làm hại bản thân mình.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, ngoài những nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân từ yếu tố gia đình. Xã hội hiện nay đầy đủ vật chất hơn nhưng phần giáo dục ở nhiều gia đình không được như trước. Nhiều gia đình chưa quan tâm, yêu thương con cái. Phương pháp giáo dục không đúng, lạm dụng quyền cha mẹ để tạo áp lực và áp đặt con theo cách của mình từ học hành đến ứng xử. Từ áp lực đó, con cái hành xử cũng dùng bạo lực, thiếu tôn trọng, thiếu tình thương và lòng trắc ẩn, thậm chí vô cảm.
Bên cạnh đó, vấn đề pháp luật đối với những hành vi này chưa đủ mức độ nghiêm minh, để răn đe. "Đối với trẻ thì giáo dục là hàng đầu, nhưng chúng ta cũng phải xử lý về mặt pháp luật thì mới có thể chấm dứt và có tính răn đe cao. Các hình thức xử lý bây giờ chưa thỏa đáng", TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Các chuyên gia tâm lý cho hay muốn nhận diện về bạo lực học đường thì cha mẹ, bạn bè, thầy cô phải luôn hiểu những vấn đề cần quan tâm qua các hành vi, thái độ bất thường để từ đó can thiệp sớm. Những hành vi của trẻ bạo lực thường âm ỉ, kéo dài, từ đe dọa trong thời gian dài, rồi mới diễn ra ở mức độ cao nhất là đánh đập gây thương tích thân thể, hay bạo hành trên mạng xã hội qua ngôn từ, qua clip… Với những áp lực này thì học sinh bị bạo hành thường có các biểu hiện như lo lắng, thu mình lại, mất tập trung, học hành sa sút…
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh được phát triển toàn diện.
TS. Lê Thị Thanh Thủy cho rằng trong trường học thường có bạo lực về tinh thần, bạo lực về thể chất, bạo lực về công nghệ… nhưng nhiều khi các em học sinh gây ra bạo lực mà không nghĩ đó là bạo lực hay nhìn thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Do đó, nhà trường cần tổ chức tốt các hoạt động phòng ngừa để phát hiện xem nhóm nào hay học sinh nào có dấu hiệu của bạo lực và can thiệp kịp thời hơn hoặc các bậc phụ huynh quan tâm đến con hơn, phát hiện thấy con có thay đổi để sớm có hình thức ngăn chặn, can thiệp.
"Cha mẹ phải là người quan tâm đến con mình đầu tiên. Cần trang bị cho con những kỹ năng tự bảo vệ mình; luôn cho con hiểu không ai có quyền xâm phạm cơ thể mình; dạy con cách phòng ngừa bạo lực như dạy con hiểu biểu hiện thế nào là mối quan hệ bạo lực để các con có thể nhận ra được dấu hiệu của bạo lực tinh thần hay thể chất…; dạy con sử dụng mạng xã hội an toàn. Nền tảng sâu xa của việc phòng ngừa này là con phải biết thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng với người khác. Đây chính là cách thức để phòng tránh bạo lực", TS. Lê Thị Thanh Thủy cho hay.
Ngoài ra, cần khuyến khích con nâng cao rèn luyện cơ thể và tham gia các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, các con phải biết xử lý tình huống khi bạo lực xảy ra. Ví dụ như khi con bắt đầu nhận ra dấu hiệu đang bị bạo lực thì cần kể lại với những người thân thiết (bố mẹ, ông bà hay ai đó mà con tin tưởng), đồng thời biết cách lường trước những nguy cơ có thể xảy ra (có thể đưa ra cho con những tình huống…
Đối với nhà trường, cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học; kể cả đoàn thanh niên cũng có thể tham gia vào vấn đề này; cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, khoảng 3-6 tháng cần khảo sát 1 lần về những nguy cơ bạo lực học đường, bạo lực tinh thần đang tồn tại, từ đó có cơ sở can thiệp sớm.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cùng với việc đào tạo về kiến thức, thể chất, các nhà trường cần định hướng vào chăm sóc tinh thần cho học sinh. Cần tăng cường những chương trình hay hoạt động giáo dục tâm lý để học sinh được tiếp cận, trang bị kỹ năng mềm trong cuộc sống, được hiểu về các kỹ năng ứng xử, hòa giải giải quyết vấn đề, được học giá trị của lòng trắc ẩn yêu thương sống, kỹ năng.
Nhà trường phải nắm được tâm lý tình cảm của học sinh, cần có phòng tham vấn tâm lý học đường với các nhà chuyên môn nhà tâm lý để làm mơi học sinh cởi mở chia sẻ những khó khăn gặp phải.
Đối với xã hội, chính quyền địa phương cũng phải tích cực hỗ trợ cho nhà trường trong việc ngăn chặn bạo lực học đường; chính quyền có thể phối hợp để có hình thức răn đe, lập biên bản hay phạt lao động công ích...
Về khía cạnh tâm lý sức khỏe, TS. BS. Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho rằng bạo lực học đường là một trong những sang chấn của các con ở lứa tuổi vị thành niên, cả người bị bắt nạt cũng như người đi bắt nạt. Cả hai đều là nạn nhân của vấn đề sức khỏe tâm thần không được tốt. Người luôn có xu hướng đi đàn áp, gây áp lực để bắt nạt kẻ khác cũng có vấn đề về tâm lý; do đó chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho cả hai.
Phòng y tế của nhà trường ngoài chăm sóc sức khỏe về thể chất cho học sinh cũng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các con, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên; các giáo viên cũng cần có kiến thức về sức khỏe tâm thần để nhận biết sớm dấu hiệu bệnh lý, thông báo cho nhà trường, gia đình để chăm sóc, chữa trị sớm cho các con.
"Nếu các con được chăm sóc sức khỏe tinh thần từ bé thì sẽ giảm thiểu được vấn đề này. Do đó, mỗi gia đình cần quan tâm đến con em mình không chỉ về sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tinh thần, song song với nhau", TS. BS. Trần Thị Hồng Thu nhấn mạnh.
Thùy Linh
Bài 4: Cần một thiết chế để bảo vệ học sinh phòng tránh bạo lực học đường