Những ngày này Đội tuyển bắn súng quốc gia đang gấp rút tập tuyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia dưới sự chỉ đạo của HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung, cùng 3 HLV và 1 chuyên gia người Hàn Quốc.
HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung đã có những chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm SEA Games 31.
Bộ môn bắn súng đã có sự chuẩn bị như thế nào cho SEA Games 31, thưa bà?
HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung: Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Đội tuyển bắn súng quốc gia đã có thời gian chuẩn bị khá dài. Ngay từ đầu năm, đội tuyển đã có quyết định tập huấn của Tổng cục Thể dục Thể thao, đã lựa chọn những VĐV tốt nhất của các địa phương. Ban huấn luyện cũng đã đưa ra kế hoạch tập luyện rất rõ ràng, tập trung vào tất cả các nội dung thi đấu của SEA Games.
Tuy nhiên, việc các VĐV có giữ được phong độ trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu hay không, ban huấn luyện sẽ phải lựa chọn kỹ lưỡng. VĐV ban đầu có sự tuyển chọn tốt, nhưng nếu trong quá trình thi đấu phong độ hoặc tâm lý giảm sút, ban huấn luyện sẽ có phương án thay thế VĐV đó.
Đối với bộ môn bắn súng, các nội dung thi đấu của SEA Games năm nay tập trung vào các nội dung Olympic; sẽ tổ chức 22 nội dung, tương ứng với 22 bộ huy chương, trong đó có 20 bộ huy chương cho bắn súng và 2 bộ huy chương cho đĩa bay. Như vậy khả năng giành huy chương của Việt Nam sẽ nhiều hơn.
Trước đây, trong kỳ SEA Games 30 tại Philippines, do điều kiện cơ sở vật chất nên nước chủ nhà chỉ đăng ký 4 nội dung thi đấu, nhưng có tới 9 nước tham dự, nên có nhiều nước không có huy chương vàng. Điều đó cho thấy, khi số nội dung thi đấu ít thì cơ hội giành huy chương của các nước sẽ ít đi.
Bà đánh giá như thế nào về tương quan lực lượng VĐV môn bắn súng tại sân chơi Đông Nam Á?
HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung: Trong 2-3 năm gần đây rất khó đánh giá về tương quan lực lượng VĐV môn bắn súng trong khu vực Đông Nam Á, vì dịch bệnh nên các VĐV không có điều kiện cùng nhau thi đấu quốc tế.
Mặt khác, lực lượng VĐV bắn súng của Việt Nam trong những năm gần đây có sự chuyển giao giữa các VĐV lớn tuổi và VĐV trẻ. Việc chuyển giao này cũng một trong những khó khăn của bắn súng Việt Nam, vì chúng ta chưa có nhiều VĐV có kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Với cuộc thi này chúng ta phải chấp nhận 50/50, nếu đủ bản lĩnh, đủ tự tin triển khai được chiến thuật thì chúng ta sẽ giành được huy chương.
Một khó khăn nữa là chúng ta không thể nắm rõ được đối thủ. Thái Lan, Singapore vẫn đi tham dự các giải thi đấu quốc tế, nhưng Việt Nam không tham gia vì dịch bệnh. Do chúng ta không được cọ xát nhiều, nên khó đánh giá chính xác tương quan lực lượng VĐV giữa các nước.
Tuy nhiên, tại SEA Games 31, Việt Nam có mặt thuận lợi là nước chủ nhà, được tập luyện trên sân nhà, với trang thiết bị cơ sở vật chất được đầu tư kỹ lưỡng, thế hệ VĐV trẻ với sức bật tốt kỳ vọng sẽ giành được nhiều thành tích cao.
Việc ổn định tâm lý cho các VĐV bắn súng là rất quan trọng. Ban huấn luyện đã thực hiện công tác này như thế nào, thưa bà?
HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung: Bắn súng phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý của các VĐV. Môn bắn súng có sự khác biệt với các môn thi đấu khác. Ở các môn thi đấu khác, nếu như VĐV có quá trình tập luyện tốt thì thành tích tập luyện không bị chênh lệch nhiều so với thành tích thi đấu. Riêng môn bắn súng, thành tích tập luyện và thành tích thi đấu là cả một khoảng cách.
Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều sự thất bại của các VĐV tên tuổi như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành… Các VĐV này đã từng thất bại trên các đấu trường quốc tế, sau này mới đạt được những thành công. Vì vậy, các bài tập huấn luyện như rèn luyện cho VĐV có tâm lý tốt là cả quá trình.
Từ năm 2006, khi tôi lên làm HLV trưởng Đội tuyển bắn súng quốc gia, tôi đã nhận định, việc chuẩn bị tâm lý cho VĐV là rất cần thiết. Công việc này không đơn giản, cần cả quá trình dài và phụ thuộc vào chính VĐV. Đội tuyển bắn súng thường xuyên áp dụng bài tập tâm lý vào thi đấu hằng ngày. Tôi hy vọng các VĐV trẻ trong thời đại 4.0 sẽ điều tiết tâm lý nhanh hơn, cũng như tự tin hơn các thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước.
Bộ môn bắn súng đặt mục tiêu như thế nào tại SEA Games 31 và chúng ta kỳ vọng vào những VĐV nào sẽ đạt huy chương, thưa bà?
HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung: Bắn súng phấn đấu đạt ít nhất 5 huy chương vàng. Thông thường ở những kỳ SEA Games trước đây, nước nào chiếm khoảng 1/3 lượng huy chương thì sẽ giành ngôi đầu. Bắn súng Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều thay đổi và gặp nhiều khó khăn, vì vậy chúng tôi đặt mục tiêu nằm trong top 3. Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, do đó chúng tôi không tạo áp lực cho các VĐV và đưa ra chỉ tiêu phù hợp với thực trạng bắn súng Việt Nam hiện nay.
Tôi vẫn kỳ vọng ở nội dung đồng đội. Đó là những VĐV có kinh nghiệm, có tâm lý ổn định hơn các VĐV trẻ. Chúng tôi sắp xếp đội hình 70/30, tức là một đội hình có 2 VĐV trẻ và 1 VĐV có kinh nghiệm để mọi người cùng nhau tin tưởng, phấn đấu có huy chương. Ví dụ ở đồng đội nam có Trần Quốc Cường, Phan Công Minh, Phạm Quang Huy (2 VĐV đầu tiên tham dự SEA Games). Hoặc nội dung súng ngắn hơi nữ có Phạm Thị Hà, Bùi Thị Thu Thủy, Triệu Thị Hoa Hồng. Ở nội dung cá nhân, tôi kỳ vọng ở các VĐV trẻ có sức bật tốt.
Có những lúc chạnh lòng nhưng chưa bao giờ nản lòng
Công tác đào tạo VĐV bắn súng, đặc biệt là các VĐV trẻ hiện nay được thực hiện như thế nào và có gặp khó khăn gì không, thưa bà?
HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung: Công tác huấn luyện gặp nhiều khó khăn, nếu không có tình yêu và sự đam mê nghề nghiệp thì sẽ khó gắn bó lâu dài. Huấn luyện để VĐV đạt trình độ Đông Nam Á thì không khó, nhưng cái chúng tôi hướng đến là ASIAD và Olympic.
Việc phát hiện, đào tạo VĐV phải đi từ cơ sở, qua nhiều khâu tuyển chọn để lên đội tuyển. Lên đội tuyển cũng phải qua nhiều khâu tuyển chọn nữa. VĐV ban đầu được nhìn nhận tốt, nhưng khi lên đội tuyển không đáp ứng được về mặt khối lượng và tâm lý sẽ phải trở về địa phương. Vì vậy, phải có kế hoạch đào tạo VĐV một cách có hệ thống, đầu tư về mọi mặt. Tuy nhiên hiện nay số lượng VĐV bắn súng rất ít.
Thời gian gần đây, cơ sở vật chất và điều kiện tập luyện đã được đầu tư tiêu chuẩn hiện đại và khang trang hơn. Trước đây tôi cũng thấy chạnh lòng khi điều kiện tập luyện của các VĐV còn rất khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, các em đều nỗ lực tập luyện và khát khao mang lại thành tích cao cho đất nước.
Trên chặng đường làm HLV, xúc động và hạnh phúc nhất chính là khi học trò của mình đạt được vinh quang.
Tôi không thể nào quên giây phút Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương vàng Olympic năm 2016. Với tôi, Hoàng Xuân Vinh là một VĐV đặc biệt, với những nỗ lực đặc biệt.
Hay có những em trong quá trình thi đấu tôi không kỳ vọng đạt huy chương, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, các em đã vượt qua mọi khó khăn, giành được thành tích cao nhất tại các kỳ SEA Games, như Phan Minh Châu, Phạm Thanh Đạt...
Chính những điều đó đã khiến tôi gắn bó với nghề bằng tình yêu và đam mê, mặc dù có những lúc chạnh lòng nhưng chưa bao giờ nản lòng.
Diệp Anh (thực hiện)